Chế độ trách nhiệm tài sản của công ty TNHH 2TV trở lên
429 lượt xem
Chế độ trách nhiệm tài sản
của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là gì?
Ban biên tập
17-07-2020
Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên có chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn, xuất phát từ quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật Doanh nghiệp năm 2014).[1]
Việc công ty TNHH hai thành viên trở lên có chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn đã tạo nên những tác động tích cực cho môi trường đầu tư kinh doanh, thể hiện thông qua số lượng công ty TNHH hai thành viên trở lên được các nhà đầu tư lựa chọn nhiều hơn so với công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Ở góc độ của nhà đầu tư (thành viên), chế độ TNHH là một “ưu đãi” lớn, nhưng ở góc độ của chủ nợ, đối tác thì đây là một “rủi ro”. Bởi vì, nếu công ty TNHH hai thành viên trở lên phát sinh các khoản nợ nhưng tài sản công ty không đủ để thanh toán thì thành viên không có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho công ty. Do đó, pháp luật doanh nghiệp Việt Nam đã có những đảm bảo cho chủ nợ bằng việc đặt ra những điều kiện, yêu cầu nhất định đối với chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn, cụ thể:
(i) Công ty phải tách bạch giữa tài sản của công ty và tài sản của thành viên
Theo đó, khi công ty được thành lập, các thành viên công ty phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn sang cho công ty. Sau thời điểm chuyển quyền, tài sản góp vốn không còn là tài sản của thành viên mà chính thức trở thành tài sản hợp pháp của công ty, còn thành viên có đầy đủ quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp trong vốn điều lệ công ty.[2]
(ii) Thành viên không vi phạm các nghĩa vụ, trách nhiệm của thành viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Nếu thành viên có những hành vi lợi dụng chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn để trục lợi cá nhân, xâm phạm đến quyền lợi của công ty và bên thứ ba thì pháp luật doanh nghiệp yêu cầu thành viên phải chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình, chứ không dừng lại ở phần vốn góp trong công ty. Trong khoa học pháp lý gọi đây là “cơ chế xuyên qua màn che công ty” hay là “phá hạn trách nhiệm”.[3] Luật Doanh nghiệp năm 2014 có nhiều quy định thể hiện cho điều này, như:
- Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.[4]
- Hoàn trả một phần vốn góp do giảm vốn điều lệ hoặc chia lợi nhuận cho thành viên trái với quy định của pháp luật thì các thành viên phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận hoặc phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty cho đến khi các thành viên đã hoàn trả đủ số tiền, tài sản khác đã nhận tương đương với phần vốn đã giảm hoặc lợi nhuận đã chia[5]…
[3] Tham khảo: Ngô Hồng Quang (2012), Cơ chế “xuyên qua màn che công ty” trong pháp luật một số nước và ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 13/2012, tr. 49 – 60.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.