Các trường hợp tăng vốn điều lệ của công ty TNHH 2TV trở lên
237 lượt xem
Công ty trách nhiệm hữu hạn
hai thành viên trở lên được tăng vốn điều lệ trong những trường hợp nào?
Ban biên tập
20-07-2020
Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ bằng các cách thức sau:
Thứ nhất, tăng vốn góp của thành viên hiện hữu
Tăng vốn góp của thành viên tức là các thành viên của công ty sẽ góp thêm vốn vào công ty theo một tỷ lệ nhất định. Trong trường hợp tất cả các thành viên đều đồng ý về việc tăng vốn điều lệ thì tỷ lệ vốn góp của mỗi thành viên trong vốn điều lệ của công ty sẽ không thay đổi (vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty).
Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình thì thành viên phải chào bán cho các thành viên hiện hữu trước, nếu họ không mua thì mới được chào bán ra bên ngoài. Điều kiện chào bán ở đây tương tự như chuyển nhượng phần vốn góp quy định tại Điều 53 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn. Trường hợp này, số vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác.
Thứ hai, tiếp nhận vốn góp của thành viên mới
Nếu như công ty quyết định tăng vốn điều lệ bằng cách tiếp nhận thêm thành viên mới thì sẽ làm tăng số lượng thành viên của công ty. Ngoài ra, tỷ lệ phần vốn góp của mỗi thành viên hiện hữu trong công ty có thể thay đổi. Trước đây, theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì khi muốn tăng vốn điều lệ bằng việc tiếp nhận thêm thành viên phải được sự nhất trí của các thành viên, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì không cần phải được sự nhất trí của tất cả các thành viên nữa mà chỉ cần Nghị quyết của Hội đồng thành viên về tăng vốn điều lệ bằng cách tiếp nhận thêm thành viên mới được thông qua theo tỷ lệ nhất định theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là được.[1] Quy định như vậy của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là hợp lý, bởi nếu theo nguyên tắc nhất trí thì thành viên có số vốn góp chiếm tỷ lệ quá ít trong công ty không đồng ý sẽ gây cản trở cho việc tiếp nhận thành viên mới của công ty.
Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2005 trước đây có quy định thêm một phương thức tăng vốn điều lệ khác nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ cách tăng vốn điều lệ này, đó là điều chỉnh tăng mức vốn điều lệ tương ứng với giá trị tài sản tăng lên của công ty.[2] Luật Doanh nghiệp năm 2014 bỏ cách tăng vốn điều lệ này cũng là hợp lý, bởi vì cách tăng này không thực sự có ý nghĩa trên thực tế. Dù tăng vốn điều lệ hay không thì tổng giá trị tài sản của công ty vẫn tăng và quyền cũng như nghĩa vụ của các thành viên vẫn không thay đổi. Hay nói cách khác, cách tăng vốn điều lệ này chỉ trên mặt danh nghĩa. Ngoài ra, nếu tiếp tục ghi nhận cách tăng này thì có thể xảy ra trường hợp các thành viên công ty sẽ lợi dụng để trục lợi thông qua hành vi định giá “khống” giá trị tài sản tăng lên của công ty cao hơn so với giá trị thực tế.
[1] Xem thêm Điều 60 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.