Các trường hợp giảm vốn điều lệ của công ty TNHH 2TV trở lên
312 lượt xem
Công ty trách nhiệm hữu hạn
hai thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ trong những trường hợp nào?
Ban biên tập
20-07-2020
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn. Thành viên chỉ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.[1] Việc giảm vốn điều lệ nếu không tuân thủ các điều kiện của Luật Doanh nghiệp, sẽ làm ảnh hưởng tới lợi ích của các chủ thể có quyền lợi liên quan, như chủ nợ, người lao động… Do đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định rất chặt chẽ vấn đề này.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ bằng các cách thức sau đây:
Thứ nhất, hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên.
Hệ quả của cách thức giảm vốn điều lệ này dẫn đến giảm giá trị phần vốn góp của tất cả các thành viên công ty nhưng không làm thay đổi tỷ lệ phần vốn góp. Cách thức giảm vốn này được Luật quy định rất chặt chẽ, bao gồm hai điều kiện:
(1) Công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp.
(2) Công ty phải bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên.
Thứ hai, công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 52 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
(1) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
(2) Tổ chức lại công ty;
(3) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Như vậy, khi công ty mua lại phần vốn góp của một thành viên trong trường hợp trên thì công ty có thể phải giảm vốn điều lệ.
Thứ ba, vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 48 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn tức là khi hết thời hạn góp vốn thành lập công ty, có thành viên chưa góp vốn theo cam kết hoặc có thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết. Lúc này, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.[2]
Luật Doanh nghiệp 2005 trước đây có quy định thêm một phương thức giảm vốn điều lệ khác nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ cách tăng vốn điều lệ này, đó là điều chỉnh giảm mức vốn điều lệ tương ứng với giá trị tài sản giảm xuống của công ty.[3] Việc Luật Doanh nghiệp năm 2014 bỏ cách giảm vốn điều lệ này là hợp lý, bởi vì phương thức giảm vốn điều lệ này không có ý nghĩa trên thực tế. Nếu công ty giảm vốn điều lệ thì tổng giá trị tài sản của công ty vẫn giảm, đồng thời quyền và nghĩa vụ của tất cả thành viên trong công ty vẫn không thay đổi.
[1] Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, tức là trong thời hạn góp vốn thành lập công ty, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.