Quy định pháp luật về cho vay tài sản, vay tiền như thế nào? Có bắt buộc phải lập hợp đồng vay khi cho vay hay không? 

                                                         (Ảnh minh họa)
         Căn cứ theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 
như sau:

“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Đồng thời, căn cứ tại khoản 1 điều 119 quy định giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

Căn cứ các quy định nêu trên và pháp luật hiện hành, giao dịch vay không bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải lập thành văn bản. Do đó, việc cho vay tiền chỉ bằng lời nói vẫn có giá trị pháp lý, hai bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.
        Pháp luật không bắt buộc phải lập hợp đồng vay trong quan hệ vay tài sản, vay tiền nói chung. Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy ra đối với các chủ thể cho vay hoặc đi vay, thì khuyến khích nên lập hợp đồng, có xác nhận của các bên thể hiện sự đồng ý. 

Ban biên tập