Vấn đề tài chính về tiền lương là một vấn đề phát sinh đối với người sử dụng lao động và người lao động. Theo đó, một vấn đề đặt ra là “Vợ có thể được nhận lương của chồng hay không?”. Dưới đây là câu trả lời, mời Quý bạn cùng tham khảo.

                                                               (Ảnh minh họa)

Căn cứ khoản 1 Điều 94 Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) quy định:

Điều 94. Nguyên tắc trả lương

1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Theo quy định này thì người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động theo nguyên tắc trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn. Đồng thời Bộ luật Lao động 2019 bổ sung quy định cho phép trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp. Từ đó, ta có thể thấy pháp luật lao động cho phép việc trả lương thông qua người ủy quyền hợp pháp. Theo đó, vợ của người lao động có thể được nhận lương thay chồng nếu đáp ứng điều kiện “được chồng ủy quyền hợp pháp”.

Tuy nhiên, người lao động cần lưu ý chỉ ủy quyền trong trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp và việc ủy quyền này phải diễn ra hợp pháp, đúng quy định.

 

Ban biên tập