Đây là nội dung quan trọng được Chính Phủ quyết nghị tại phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 4 năm 2021 diễn ra ngày 06 tháng 5 năm 2021.
Theo đó, nội dung đầu tiên được Chính phủ nhắc đến trong nghị quyết 48/NQ-CP là một số vấn đề về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trước tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, sát thực tiễn để kiểm soát, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị vừa qua đã có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, cá biệt có nơi thiếu tinh thần trách nhiệm; việc quản lý xuất nhập cảnh, lưu trú đối với người nước ngoài còn sơ hở; quản lý cách ly y tế và sau cách ly còn lỏng lẻo trong khi biến chủng mới của vi-rút lây lan nhanh, khó phát hiện hơn; nguy cơ dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát trên diện rộng là rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không kiểm soát quyết liệt, chặt chẽ, hiệu quả. Do đó, Chính phủ yêu cầu:
- Người đứng đầu các bộ, ngành, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; chịu trách nhiệm và thực hiện phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm phòng, chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý; cần bình tĩnh, sáng suốt, tỉnh táo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chống khuynh hướng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác cũng như hoảng sợ, hoang mang, dao động, sợ hãi hoặc cực đoan trong áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; động viên, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân để mọi người, mọi nhà tập trung phòng, chống dịch hiệu quả. Tinh thần là phải chuyển trạng thái vừa phòng ngự vừa tấn công, nhưng tấn công là chủ yếu; rút kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua để vừa kế thừa vừa đổi mới cách làm, có giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn trong tình hình mới.
Tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe của nhân dân, của cộng đồng lên trên hết, trước hết. Tiếp tục tuân thủ quy định 5K + vắc xin và tăng cường các biện pháp công nghệ. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải trả giá đắt; kiên quyết xử lý hành vi thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định về phòng, chống dịch, kể cả việc xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự. Chấn chỉnh và tăng cường thực hiện các biện pháp công nghệ trong quản lý, điều trị, cách ly cũng như trong việc trở lại cộng đồng sau khi hết thời gian cách ly tập trung. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ tình hình cụ thể và hướng dẫn của Bộ Y tế, chủ động có giải pháp phù hợp để hỗ trợ các đối tượng bị tác động trong quá trình thực thi chính sách, không để ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội.
- Bộ Y tế chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương có phương án bảo đảm nhân lực, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, phương tiện khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân theo các kịch bản, tình huống dịch bệnh, bảo đảm không bị động ngay khi kịch bản có tới 30.000 ca nhiễm trong cộng đồng; rà soát các quy định, quy chế liên quan, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý để xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí xác định tình hình, cấp độ dịch và phương án xử lý cụ thể đối với từng loại tình huống, cấp độ; đồng thời, tăng cường phân cấp quản lý, cá thể hóa trách nhiệm phòng, chống dịch gắn với xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý phòng, chống dịch; kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân làm tốt, gương mẫu, có nhiều nỗ lực, đóng góp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
- Bộ Y tế căn cứ chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Văn bản số 50-CV/VPTW, Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ cần nghiêm túc, chủ động để có thể có vắc xin và tiêm vắc xin sớm nhất, nhiều nhất có thể; mở rộng phạm vi tiếp cận nhiều nguồn vắc xin và công nghệ xét nghiệm nhanh; đẩy nhanh tiến độ tiêm số vắc xin hiện đang có, bảo đảm công khai, an toàn và không để vắc xin quá hạn; công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và giám sát. Có cơ chế, chính sách đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm để sớm có vắc xin Việt Nam. Chuẩn bị báo cáo về nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin và bố trí, huy động nguồn lực thực hiện; Chính phủ sẽ có phiên họp chuyên đề vào đầu tháng 5 năm 2021 về nội dung này.
- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới tăng cường bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện xuất nhập cảnh trên toàn tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường thủy; kiên quyết ngăn chặn, phát hiện kịp thời các trường hợp xuất nhập cảnh, cư trú trái phép, cương quyết xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; nhanh chóng thiết lập công cụ, xây dựng quy chế, quy định cụ thể giám sát nghiêm ngặt các cơ sở cách ly y tế, công tác bàn giao và quản lý sau cách ly tập trung, bảo đảm tuân thủ đúng quy định và rõ trách nhiệm.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, phản ánh trung thực, khách quan, đúng bản chất tình hình và công tác phòng, chống dịch để nhân dân có đủ thông tin, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ, tham gia thực hiện và giám sát, quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19.
- Đồng ý công dân Việt Nam từ các nước láng giềng về nước bằng đường bộ khi thực hiện biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí cách ly y tế, bao gồm chi phí: đưa đón từ cơ sở, địa điểm phát hiện đến cơ sở cách ly y tế tập trung; xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; một số quyền lợi khác tại các cơ sở cách ly bắt buộc.
- Chính phủ thống nhất với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc phân bổ nguồn Quỹ phòng, chống Covid-19. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động quyên góp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để bổ sung nguồn lực mua vắc xin phòng Covid-19.
Ban biên tập