Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 có những đổi mới so với Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong đó có những sự đổi mới về doanh nghiệp nhà nước.

1. Thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước.  

Nếu như trước đây doanh nghiệp nhà nước là do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014) thì bắt đầu từ ngày 01/01/2021 số vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ đã giảm xuống chỉ còn 50%. Cụ thể tại Khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

“Điều 4: Giải thích từ ngữ

11. Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật này”

2. Thay đổi cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp nhà nước

Luật Doanh nghiệp 2020 đã có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước. Về cơ bản vẫn được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, tuy nhiên về mô hình thì có sự thay đổi. Cụ thể:

Nội dung thay đổi

Luật Doanh nghiệp 2014

(Điều 89)

Luật Doanh nghiệp 2020

(Điều 90)

Cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước

Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn theo một trong hai mô hình quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này:

“a) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;

b) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên”.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo một trong hai mô hình sau đây:

1. Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát;

2. Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát.


3. Doanh nghiệp nhà nước phải có Ban Kiểm soát

Theo Khoản 1 Điều 103 Luật Doanh nghiệp 2020: Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát (hiện hành, theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định bổ nhiệm 01 Kiểm soát viên hoặc thành lập Ban kiểm soát gồm 03 đến 05 Kiểm soát viên).

Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát được quy định tại Khoản 3 Điều 103, Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể

“Điều 103. Ban kiểm soát, kiểm soát viên

3. Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên phải có tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc; Trưởng Ban kiểm soát phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc;

b) Không được là người quản lý công ty và người quản lý tại doanh nghiệp khác; không được là Kiểm soát viên của doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước; không phải là người lao động của công ty;

c) Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu của công ty; thành viên Hội đồng thành viên của công ty; Chủ tịch công ty; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; Kiểm soát viên khác của công ty;

d) Tiêu chuẩn và điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.

Những điểm mới về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp 2020 đã làm hoàn thiện hơn về tổ chức quản trị doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, thu hút vốn đầu tư.

Ban biên tập