Mới đây, ngày 17 tháng 02 năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung sau đây:

1. Tên, thời kỳ, phạm vi và đối tượng quy hoạch

Tên quy hoạch: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thời kỳ lập quy hoạch: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm có thời kỳ quy hoạch là 10 năm (2021 - 2030), tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi quy hoạch: Trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia.

Đối tượng quy hoạch: Các cơ sở giáo dục đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (không bao gồm các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng), các trường cao đẳng sư phạm.

2. Quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập quy hoạch

Quan điểm lập quy hoạch:

- Quy hoạch bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển giáo dục đại học, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2021 - 2030, Chiến lược phát triển giáo dục thời kỳ 2021 - 2030 và các quy hoạch có liên quan;

- Quy hoạch để rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm bảo đảm hợp lý về quy mô, cơ cấu ngành nghề và phân bố vùng miền, đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của các địa phương;

- Quy hoạch để nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng đào tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kết nối doanh nghiệp; phát triển các cơ sở giáo dục đại học có điều kiện bảo đảm chất lượng tốt, hình thành một số đại học, trường đại học uy tín trong khu vực và thế giới; sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học quy mô nhỏ, đơn ngành hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng;

- Quy hoạch theo hướng mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thành lập mới các cơ sở giáo dục đại học tư thục, nhất là các cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận;

- Nhà nước có chính sách ưu đãi, đầu tư đủ mạnh để thực hiện quy hoạch; có lộ trình thực hiện và hướng đi phù hợp, không gây xáo trộn ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.

Mục tiêu lập quy hoạch:

- Cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển lĩnh vực giáo dục đại học; kết nối các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia;

- Thiết lập được một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời; có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương;

- Làm cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên phạm vi cả nước thuộc lĩnh vực giáo dục đại học, bảo đảm khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả; đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.

Nguyên tắc lập quy hoạch:

- Bảo đảm nguyên tắc: Hoạt động quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật quy hoạch; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với chiến lược phát triển giáo dục đại học và các chiến lược khác có liên quan trong cùng giai đoạn phát triển; bảo đảm sự liên kết, đồng bộ và tính hệ thống giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia;

- Bảo đảm tính hệ thống: Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm có quy mô và cơ cấu hợp lý, phân bố hài hòa, kết nối chặt chẽ với các vùng kinh tế; tạo cơ chế để hình thành các đại học, các trung tâm đại học lớn của đất nước; đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động;

- Bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ: Chính phủ thống nhất chỉ đạo và định hướng; các cơ sở giáo dục đại học tự rà soát, sắp xếp, quyết định theo phương án quy hoạch và chính sách của Nhà nước; các cơ quan quản lý trực tiếp hạn chế can thiệp có tính hành chính khi thực hiện quy hoạch;

- Bảo đảm tính kế thừa, tính khả thi, phù hợp với năng lực đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của toàn xã hội; tạo điều kiện để mọi người đều có cơ hội tham gia phát triển giáo dục đại học; khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đại học tư thục.


                                                             
                                                           (Ảnh minh họa)

3. Phương pháp lập quy hoạch

Phương pháp tiếp cận tổng hợp, mang tính hệ thống, đa chiều; bảo đảm các yêu cầu về tính khoa học, tính thực tiễn, ứng dụng công nghệ hiện đại và có độ tin cậy cao.

Phương pháp sử dụng để lập quy hoạch:

- Phương pháp điều tra cơ bản;

- Phương pháp phân tích hệ thống;

- Phương pháp so sánh, tổng hợp

- Phương pháp dự báo;

- Phương pháp tham vấn chuyên gia, hội thảo, tọa đàm;

- Phương pháp lập bản đồ;

- Phương pháp phân tích nguyên nhân, kết quả.

4. Các yêu cầu nội dung quy hoạch

 - Phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.

- Dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.

- Đánh giá về sự liên kết ngành, liên kết vùng, liên kết giữa mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm với cơ sở nghiên cứu khoa học trong việc phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành, những cơ hội và thách thức.

- Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm trong thời kỳ quy hoạch.

- Phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.

- Định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành và thứ tự ưu tiên thực hiện:

+Xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm trong thời kỳ quy hoạch.

+ Luận chứng xây dựng danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành trong thời kỳ quy hoạch, dự kiến tổng mức đầu tư, đề xuất thứ tự ưu tiên thực hiện và phương pháp phân kỳ đầu tư.

- Xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch

5. Yêu cầu về sản phẩm quy hoạch

- Tờ trình Thủ tướng Chính phủ.

- Báo cáo tổng hợp và Báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về quy hoạch, bản sao ý kiến góp ý của bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến về quy hoạch;

- Hệ thống bản đồ, sơ đồ và cơ sở dữ liệu về quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế. Danh mục và tỷ lệ bản đồ quy hoạch quy định tại mục IV Phụ lục I Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ.

6. Chi phí lập quy hoạch

- Chi phí lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.         
       - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cụ thể chi phí lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm theo đúng hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về định mức cho hoạt động quy hoạch, quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan.

 

Ban biên tập