Vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao có ban hành Công văn 125/TANDTC-VP Về tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 11 tháng 5 năm 2021.
Nội dung Công văn cụ thể như sau:
Kể từ 0 giờ 00 ngày 12/5/2021 đến hết 24 giờ 00 ngày 31/5/2021, Chánh án các Tòa án tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung như sau:
2.1. Các Tòa án đặt tại đơn vị hành chính đã có quyết định thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, thì thực hiện ngay các yêu cầu sau đây:
- Tạm dừng việc xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc trừ các trường hợp cấp bách phải thực hiện theo yêu cầu của pháp luật (Ví dụ: giải quyết khiếu kiện danh sách cử tri; giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam;...) nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch;
- Công chức, người lao động của Tòa án sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà, trừ các trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Thủ trưởng đơn vị. Phân công lãnh đạo đơn vị và công chức trực tại cơ quan để xử lý các công việc cần thiết, cấp bách.
2.2. Các Tòa án đặt tại đơn vị hành chính đã có quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, thì thực hiện ngay các yêu cầu sau đây:
- Tổ chức phân loại các vụ án, vụ việc đang phải giải quyết. Trong thời gian này chỉ đưa ra xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc đã hết hoặc sắp hết thời hạn giải quyết (kể cả thời gian gia hạn); vụ việc có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19; khiếu kiện danh sách cử tri;...
- Công chức, người lao động, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng chỉ đến Tòa án làm việc trong những trường hợp thực sự cần thiết; yêu cầu thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người trong suốt thời gian làm việc tại Tòa án. Bố trí phòng xét xử trực tuyến nếu có đủ điều kiện.
2.3. Các Tòa án đặt tại đơn vị hành chính chưa có quyết định phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, thì thực hiện ngay các yêu cầu sau đây:
- Tổ chức xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc theo theo quy định, nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
- Đảm bảo công chức, người lao động của các Tòa án đến làm việc tại trụ sở cơ quan, thực hiện nghiêm 5K, trừ các trường hợp đang phải thực hiện cách ly theo yêu cầu phòng, chống dịch.
2.4. Tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ án, vụ việc. Ưu tiên đưa ra xét xử, giải quyết các vụ việc, vụ án liên quan đến phòng chống dịch Covid-19; các vụ việc liên quan đến bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; các vụ việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; các vụ việc nghiêm trọng dư luận xã hội quan tâm;... Việc xét xử các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được thực hiện theo yêu cầu tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2.5. Tòa án chỉ triệu tập những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tham dự phiên tòa, phiên họp; không tổ chức tiếp công dân, tiếp khách tại trụ sở Tòa án, trừ những trường hợp thực sự cần thiết. Tạm dừng việc nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ và tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở Tòa án. Tòa án thông báo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thông qua các phương thức khác như: Gửi đến Tòa án thông qua dịch vụ bưu chính; gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
2.6. Không tổ chức phiên tòa, phiên họp tập trung trên 20 người trong một phòng. Hoãn, dừng việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo chưa cấp bách để tập trung giải quyết công việc, phòng, chống dịch. Hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, tăng cường tổ chức họp, giao ban, làm việc trực tuyến qua các phương tiện điện tử.
2.7. Công chức, người lao động, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải thực hiện nghiêm 5K và các yêu cầu phòng chống dịch trong suốt thời gian làm việc tại Tòa án. Khuyến cáo công chức hạn chế tiếp xúc xã hội; hạn chế tụ tập đông người; hạn chế việc di chuyển, đi lại nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Yêu cầu người đến Tòa án phải tự giác khai báo thông tin về lịch sử tiếp xúc với người dương tính Covid-19 và lịch sử di chuyển, đi lại đến các nơi có dịch.
3. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/2021/CT-CA ngày 10/3/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức thực hiện bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp.
4. Thường xuyên cập nhật và kịp thời báo cáo danh sách công chức, người lao động thuộc quyền quản lý có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 hoặc đi về từ địa phương có các ca lây nhiễm trong cộng đồng, hoặc có yếu tố dịch tễ (có liên quan hoặc tiếp xúc với F1, F2, F3...) thực hiện làm việc tại nhà theo sự phân công của lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
5. Khi Tòa án, đơn vị phát hiện có trường hợp công chức, người lao động hoặc đương sự, người có liên quan đến Tòa án làm việc, giao dịch dương tính với Covid-19, Chánh án Tòa án, Thủ trưởng đơn vị phải thực hiện ngay các yêu cầu sau:
- Thông báo ngay cho cơ sở y tế hoặc đường dây nóng của Bộ Y tế, chính quyền địa phương và Tòa án nhân dân tối cao để được tư vấn, hướng dẫn công tác phòng chống dịch;
- Tổ chức cho toàn bộ công chức, người lao động xét nghiệm Covid-19. Yêu cầu công chức, người lao động thực hiện nghiêm việc cách ly theo quy định; công chức, người lao động không thuộc diện phải cách ly thì được yêu cầu làm việc tại nhà;
- Thực hiện ngay việc khử trùng, vệ sinh toàn bộ khuôn viên, phòng làm việc trong cơ quan, đặc biệt là phòng xét xử, phòng tiếp dân, phòng họp. Tổ chức thực hiện ngay các yêu cầu phòng, chống dịch khác theo quy định.
6. Bố trí trang thiết bị y tế cần thiết để phòng, chống dịch Covid-19 bằng nguồn kinh phí chi thường xuyên của cơ quan hoặc kinh phí hợp pháp khác.
7. Học viện Tòa án đảm bảo phòng, chống Covid-19 đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên; chủ động kế hoạch, phương án giảng dạy, đảm bảo nội dung, chương trình học.
Ban biên tập