Xử lý thành viên công ty TNHH 2TV trở lên vi phạm cam kết góp vốn như thế nào?

1K lượt xem

A, B và C cùng góp vốn thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) X (Công ty X). Trong hồ sơ đăng ký thành lập công ty, số vốn điều lệ của Công ty X là 600 tỷ đồng, mỗi thành viên góp 200 tỷ đồng.

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư ở địa phương, các thành viên của Công ty X chỉ là những người kinh doanh nhỏ lẻ, khó có tiềm lực tài chính để góp số vốn điều lệ lớn lên tới 600 tỷ đồng. Một số ý kiến cho rằng nếu các thành viên của Công ty X không góp vốn như cam kết là hành vi vi phạm pháp luật doanh nghiệp.

Trên thực tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty X.

Nếu các thành viên Công ty X không góp vốn được như cam kết thì có vi phạm quy định về góp vốn của Luật Doanh nghiệp năm 2014 hay không?  

Ban biên tập
20-07-2020

Trên cơ sở quyền tự do kinh doanh, các quy định về góp vốn của Luật Doanh nghiệp năm 2014 rất thông thoáng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tự do quyết định góp vốn của mình. Chính vì vậy, vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên được xác định theo hai giai đoạn:[1]

Giai đoạn đăng ký doanh nghiệp: Vốn điều lệ của công ty là tổng giá trị tài sản do các thành viên cam kết góp. Vào giai đoạn đăng ký doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho việc góp vốn của nhà đầu tư, thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phép nhà đầu tư được “cam kết” góp vốn, mà chưa phải góp vốn ngay.

Theo Điều 48 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.

Giai đoạn sau đăng ký doanh nghiệp: Vốn điều lệ của công ty là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp. Tức là, sau đăng ký doanh nghiệp, vốn điều lệ được xác định dựa trên số vốn mà thành viên đã thực góp vào công ty.

Sau thời hạn góp vốn mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì được xử lý như sau:

 (i) Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;

 (ii) Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

 (iii) Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.

Trường hợp này, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.

Như vậy, đối với trường hợp của Công ty X, việc mỗi thành viên cam kết góp 200 tỷ đồng vào công ty là quyền của thành viên. Hay nói cách khác, vào giai đoạn đăng ký doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phép thành viên được tự do cam kết góp tài sản vào công ty, không phân biệt giá trị là bao nhiêu.[2] Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời hạn góp vốn, nếu các thành viên không góp vốn được như cam kết thì Công ty X bắt buộc phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.

Nếu Công ty X không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên thì có thể bị xử phạt vi hành chính. Cụ thể, có thể bị áp dụng hình thức phạt tiền là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp.[3]

Đối với bản thân các thành viên của Công ty X, ở giai đoạn đăng ký doanh nghiệp, các thành viên phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.[4] Đây là một vấn đề mà các nhà đầu tư cần lưu ý, tránh tình trạng cam kết góp vốn tùy tiện và cảm tính.

 


[2] Cần lưu ý, đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện với điều kiện là yêu cầu về vốn pháp định thì công ty phải bảo đảm rằng chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của công ty phải góp đủ số vốn pháp định tối thiểu theo quy định của pháp luật. Đương nhiên, khi số vốn pháp định được góp đủ thì nó cũng chính là vốn điều lệ của công ty đó.

[3] Điều 28 của Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/06/2016 của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.


Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận