Tư cách pháp nhân của công ty cổ phần
523 lượt xem
Công ty cổ phần có phải là
doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hay không?
Ban biên tập
23-07-2020
Công ty cổ phần (CTCP) là một loại hình doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam. Do đó, CTCP có đầy đủ những đặc trưng của của một doanh nghiệp, theo đó, CTCP là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập thông qua thủ tục đăng ký doanh nghiệp nhằm mục đích kinh doanh.
Giống như công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn, CTCP có tư cách pháp nhân. Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện: (i) Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan; (ii) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự 2015; (iii) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (iv) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Các nội dung pháp lý về CTCP trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho thấy, CTCP đáp ứng đầy đủ cả 04 điều kiện ở trên.
CTCP có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.[1] Như vậy, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ý nghĩa là văn bản khai sinh ra CTCP. Kể từ thời điểm được cấp giấy này, CTCP trở thành một chủ thể kinh doanh hợp pháp và được tự do tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách bình đẳng như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.
CTCP có tư cách pháp nhân có thể xem là một lợi thế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bởi lẽ: (i) Trong một số quan hệ pháp luật nhất định, pháp luật quy định pháp nhân mới được tham gia vào quan hệ pháp luật đó, như các lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng… Hay ngay cả Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì tổ chức có tư cách pháp nhân mới được thành lập doanh nghiệp.[2] (ii) Việc trao cho CTCP có tư cách pháp nhân có thể đem lại lợi ích lâu dài và bền vững cho công ty. Việc hình thành pháp nhân làm cho đời sống pháp luật được đơn giản hóa. Nếu không có pháp nhân mà chỉ có các thể nhân thì khi đó, mỗi thể nhân đều sẽ phải tham gia vào việc ký kết các giao dịch pháp lý và hậu quả sẽ rất phức tạp. Bên cạnh đó, việc hình thành pháp nhân làm cho đời sống pháp luật được ổn định lâu dài, bởi pháp nhân không gặp phải những thay đổi bất ngờ như thể nhân. Thời gian tồn tại của một pháp nhân thường dài hơn cuộc sống của một con người. Và hoạt động của pháp nhân có thể kéo dài, thậm chí rất dài. Pháp nhân không bị ảnh hưởng bởi những biến cố xảy ra đối với thành viên của nó.[3]
[1] Khoản 2 Điều 110 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[2] Xem thêm Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[3] Xem thêm: Lê Việt Anh (2008), Về tư cách pháp nhân của công ty hợp danh, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 1 (115).
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.