Tư cách pháp nhân của công ty hợp danh

352 lượt xem
Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân hay không? Vì sao? 
Ban biên tập
17-07-2020

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty hợp danh (HD) là một trong bốn hình thức doanh nghiệp.[1] Do đó, công ty HD là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.[2]

Trước đây, khi công ty HD lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 1999 thì công ty HD không có tư cách pháp nhân. Nhưng theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và hiện nay là Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì công ty HD có tư cách pháp nhân. Việc ghi nhận tư cách pháp nhân của công ty HD đã tạo ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học pháp lý. 

Khi nào một tổ chức được công nhận là pháp nhân?

Theo quy định của Điều 84 của Bộ luật Dân sự năm 2005, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: i) được thành lập hợp pháp; ii) có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; iii) có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; iv) nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Như vậy, đối chiếu với các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và năm 2014 thì công ty HD được thành lập một cách hợp pháp thông qua thủ tục đăng ký doanh nghiệp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và công ty HD nhân danh nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập, không dựa vào tư cách chủ thể của bất kì ai.

Tuy nhiên, ở điều kiện thức thứ ba thì công ty HD lại không đáp ứng được. Điều kiện “có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó” chứa đựng hai điều kiện nhỏ khác nhau: i) có tài sản độc lập và ii) tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó.

- Có tài sản độc lập tức là tài sản thuộc sở hữu của công ty HD, không thuộc sở hữu của thành viên công ty. Khi tiến hành thủ tục thành lập công ty, các thành viên công ty HD phải tiến hành thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty.[3] Nhà đầu tư lúc này không còn là chủ sở hữu của tài sản góp vốn nữa nhưng lại trở thành thành viên, đồng thời là chủ sở hữu chung của công ty HD. Sau thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản, công ty HD trở thành chủ thể của pháp luật về sở hữu, tức là tài sản được các thành viên chuyển quyền sở hữu là tài sản của công ty HD. Ngoài ra, tài sản của công ty HD còn bao gồm cả các loại tài sản khác như tài sản tích lũy được từ hoạt động sản xuất kinh doanh, tài sản vay hay tài sản được tặng, cho hay thừa kế…[4]

Như vậy, công ty HD có tài sản độc lập với các cá nhân, tổ chức khác. 

- Tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó.

Điều kiện này là nguyên nhân gây ra nhiều tranh cãi về tư cách pháp nhân của công ty HD. Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, công ty HD có chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn, thể hiện ở chỗ thành viên HD chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: pháp nhân tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình và “thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện”.[5] Như vậy, chế độ trách nhiệm tài sản của pháp nhân là chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn. Tức là pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính phát sinh trong phạm vi số tài sản mà của mình (khối tài sản thuộc sở hữu của pháp nhân), thành viên pháp nhân không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm thay. Khi đối chiếu các quy định về pháp nhân của pháp luật dân sự với các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì có “độ vênh” nhất định, bởi thành viên HD phải “chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty”.[6] Tuy nhiên, hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã khắc phục bằng quy định: “Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác” (khoản 3 Điều 87). 

         Việc Luật Doanh nghiệp công nhận công ty HD là pháp nhân có thể tạo nên một loại hình doanh nghiệp phù hợp cho các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp (thành viên HD) lựa chọn loại doanh nghiệp có chế độ trách nhiệm vô hạn, nhưng lại có tư cách pháp nhân. Một mặt, chế độ trách nhiệm vô hạn bất lợi cho thành viên HD vì không được hạn chế rủi ro. Nhưng mặt khác, chế độ trách nhiệm vô hạn lại nâng uy tín tín dụng của công ty trong giao dịch pháp luật. Tư cách pháp nhân giúp công ty có được khả năng gia nhập thị trường như các loại công ty khác. Chẳng hạn, nếu là pháp nhân, công ty HD có thể hoạt động cho thuê tài chính hay nói cách khác là các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp có thể lập công ty HD để hoạt động cho thuê tài chính.[7]

 


[2] Tham khảo: http://nghiemchinh.com/introduction.aspx

[7] Phan Huy Hồng – Lê Nết (2005), Trách nhiệm tài sản của pháp nhân: Hữu hạn hay vô hạn?, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 6/2005, tr. 22-28.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận