Chế độ trách nhiệm tài sản của công ty cổ phần
314 lượt xem
Chế độ trách nhiệm tài sản
của công ty cổ phần là gì?
Ban biên tập
23-07-2020
Công ty cổ phần (CTCP) có chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn là một đặc điểm giống với công ty trách nhiệm hữu hạn. Đặc điểm này xuất phát từ quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.[1] Đây là một trong những đặc điểm khiến CTCP trở thành một công ty kinh doanh có sức hút đối với nhà đầu tư.
Chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn tạo nên những tác động tích cực cho môi trường kinh doanh. Xét dưới góc độ của cổ đông, chế độ trách nhiệm hữu hạn của CTCP là một “ưu đãi” lớn, nhưng dưới góc độ của chủ nợ thì đây là một “rủi ro”. Do đó, để cân bằng lợi ích của các bên, pháp luật doanh nghiệp Việt Nam đã có những đảm bảo cho chủ nợ bằng việc đặt ra những điều kiện để áp dụng chế độ trách nhiệm hữu hạn, cụ thể:
(i) CTCP phải tách bạch rõ ràng giữa tài sản của công ty và tài sản của cổ đông
Khi góp vốn vào CTCP, nhà đầu tư bắt buộc phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn của mình vào công ty. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ góp vốn, tài sản góp vốn không còn là tài sản của nhà đầu tư, mà trở thành tài sản hợp pháp của CTCP. Thay vào đó, nhà đầu tư trở thành cổ đông của CTCP, có các quyền và nghĩa vụ của cổ đông theo quy định của pháp luật.[2]
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, nếu cổ đông không có sự tách bạch giữa tài sản đầu tư và tài sản tiêu dùng thì CTCP không được hưởng chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn.
(ii) Cổ đông không được vi phạm nghĩa vụ của cổ đông theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty
Nếu cổ đông có những hành vi lợi dụng chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn của CTCP để trục lợi cá nhân thì pháp luật sẽ bắt buộc họ phải chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình, chứ không dừng lại ở phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Khoa học pháp lý gọi đây là cơ chế “xuyên qua màn che công ty” hay là “phá hạn trách nhiệm”. Một nghiên cứu đã đưa ra định nghĩa: cơ chế “xuyên qua màn che công ty là một cơ chế pháp lý đặc biệt để bỏ qua các quy tắc giới hạn trách nhiệm cũng như tư cách pháp nhân của công ty để buộc các cổ đông hay chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty”.[3] Chẳng hạn, tại thời điểm thành lập CTCP, nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.[4]
[3] Ngô Hồng Quang (2012), Cơ chế “xuyên qua màn che công ty” trong pháp luật một số nước và ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 13/2012, tr. 49 – 60.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.