Trường hợp nào phải đóng BHXH? Trường hợp không đóng bảo hiểm xã hội thì có ảnh hưởng đến chế độ BHXH của người lao động không? Hành vi trừ tiền lương đóng BHXH trái pháp luật có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
157 lượt xem
Anh Nguyễn Tiến Đ đang làm
việc tại Công ty TNHH T.H.T theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ
ngày 10/7/2015. Tháng 5/2020, anh Đ bị ốm và phải nằm viện điều trị 17 ngày
theo giấy đề nghị của bác sĩ bệnh viện Gia Định.
Ngày 30/6/2020, khi được nhận
tiền lương tháng 5/2020, anh Đ nhận thấy Công ty TNHH T.H.T đã trừ một phần tiền
lương để đóng bảo hiểm xã hội tháng 5/2020. Ngay sau đó, anh đã gửi email đề
nghị Phòng Hành chính – Nhân sự giải thích vì sao anh nghỉ làm việc 17 ngày mà
vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đến nay anh vẫn chưa nhận được câu trả
lời.
1. Anh Đ có phải đóng bảo
hiểm xã hội tháng 5/2020 hay không?
2. Việc anh Đ không đóng bảo
hiểm xã hội tháng 5/2020 có ảnh hưởng đến chế độ bảo hiểm của anh sau này
không?
3. Nếu hành vi trừ tiền
lương đóng bảo hiểm xã hội tháng 5/2020 trái pháp luật thì Công ty TNHH T.H.T
có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?
Ban biên tập
18-01-2021
1. Anh Đ không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng 5/2020.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
Tháng 5/2020, anh Đ bị ốm và phải nằm viện điều trị 17 ngày theo giấy đề nghị của bác sĩ. Vì vậy, anh Đ không phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội tháng 5/2020. Việc Công ty TNHH T.H.T trừ một phần tiền lương tháng 5/2020 của anh để đóng bảo hiểm xã hội là trái với quy định của pháp luật.
2. Việc anh Đ không đóng bảo hiểm xã hội tháng 5/2020 sẽ ảnh hưởng đến chế độ bảo hiểm của anh Đ sau này.
Trường hợp của anh Đ nếu số ngày nghỉ ốm từ 14 ngày làm việc trở lên (không bao gồm ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần) thì tháng đó anh Đ và đơn vị của anh không phải đóng bảo hiểm xã hội và thời gian này không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
3. Hành vi trừ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tháng 5/2020 trái pháp luật thì Công ty TNHH T.H.T sẽ bị xử phạt hành chính
Theo khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; ....
Số tiền bị phạt tùy thuộc vào số lượng người lao động bị vi phạm tại Công ty TNHH T.H.T, cụ thể:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Đối với trường hợp của anh Đ, Công ty TNHH T.H.T sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng do Công ty này đã có hành vi trừ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tháng 5/2020 của anh Đ trái pháp luật.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.