Quy trình NSDLĐ tham gia BHXH cho NLĐ được quy định như thế nào? Hành vi nào bị cấm theo quy định của NSDLĐ khi tham gia BHXH; nếu vi phạm điều cấm thì phạt như nào?

161 lượt xem
Bên tranh chấp 1: Bảo hiểm xã hội Quận B

Bên tranh chấp 2: Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Hàng hải PM

Sau nhiều lần làm việc cụ thể với Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Hàng Hải PM về việc thực hiện trích nợ, giải quyết nợ đọng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhưng Công ty PM vẫn không thực hiện nghĩa vụ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Hiện Công ty PM còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 3/2016 đến tháng 9/2017 là 2.650.975.393 đồng. Công ty đồng ý trả toàn bộ số nợ còn thiếu nêu trên nhưng do kinh doanh khó khăn nên xin không trả ngay số tiền nợ mà trả dần số tiền, không đồng ý trả tiền lãi chậm nộp bảo hiểm.

Không đồng ý với ý kiến trên, Bảo hiểm xã hội Quận B yêu cầu Tòa án buộc Công ty PM phải nộp ngay vào quỹ bảo hiểm xã hội tổng số tiền nợ đọng còn thiếu hiện tại là 2.650.975.393 đồng, trong đó gồm nợ gốc là 2.398.916.942 đồng, tiền lãi phát sinh là 252.058.451 đồng, yêu cầu trả ngay khi án có hiệu lực pháp luật. Từ tháng 10/2016, yêu cầu Công ty PM thực hiện trích nộp hàng tháng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động theo đóng quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội.

1. Trình tự, thủ tục để Công ty PM tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động là gì?

2. Hành vi của Công ty PM vi phạm quy định nào của pháp luật?

3. Yêu cầu của Cơ quan bảo hiểm xã hội Quận B được giải quyết như thế nào?

Ban biên tập
14-01-2021

1. Căn cứ Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trình tự thủ tục để Công ty PM tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động được quy định như sau:

Thứ nhất, đối với hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu bao gồm:

+ Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của Công ty PM kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội

+ Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động

Thứ hai, đối với hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp hỏng hoặc mất bao gồm:

+ Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động

+ Sổ bảo hiểm xã hội (trong trường hợp bị hỏng)

Sau đó, căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, Công ty PM nộp hồ sơ nêu trên cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Tuy nhiên, Công ty PM cần lưu ý:

Theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động là Công ty PM phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội. Hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm:

+ Tờ khai điều chỉnh thông tin cá nhân

+ Sổ bảo hiểm xã hội

+ Bản sao giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.

2. Căn cứ khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Công ty PM có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Việc làm 2013khoản 2 Điều 32 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hằng tháng Công ty PM phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013 và trích tiền lương của người lao động theo mức quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013 đúng, đủ và kịp thời theo quy định của pháp luật vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Căn cứ khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hành vi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 3/2016 đến tháng 9/2017 là 2.650.975.393 đồng của Công ty PM là hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và là hành vi bị nghiêm cấm.

3. Yêu cầu của Bảo hiểm xã hội Quận B được giải quyết như sau:

Việc Công ty PM chậm thực hiện nộp các khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là vi phạm pháp luật lảm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp của người lao động và ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan bảo hiểm.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật bảo hiểm xã hội 2014, Công ty PM có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên (thực tế Công ty đã chậm nộp 1 năm 6 tháng) thì ngoài việc trả đủ số tiền chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, Công ty còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của Công ty PM để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Như vậy, Công ty PM phải có trách nhiệm nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội Quận B số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi phát sinh tính đến tháng 9/2017 là 2.650.975.393đ.

Bên cạnh đó, đối với số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phát sinh từ tháng 10/2016 trở đi, Công ty PM phải thực hiện đúng nghĩa vụ trích nộp tiền đầy đủ hàng tháng theo quy định pháp luật.

Thêm nữa, căn cứ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của Công ty PM còn bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận