Mức tiền lương đóng BHXH cho NLĐ được quy định như thế nào? Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản có được tính để hưởng chế độ BHXH một lần và trợ cấp thất nghiệp không?
237 lượt xem
Chị Lê Thị L và Công ty Cổ
phần T.P (có trụ sở tại Quận T.B, Tp. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng lao động không
xác định thời hạn từ ngày 10/8/2016. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động,
Chị L có nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 06 tháng (từ tháng 07/2017 đến
12/2017). Tiền lương từ ngày 01/9/2019 là 93.000.000 đồng/tháng.
Khi nghỉ việc tháng
12/2019, chị L phát hiện Công ty đóng bảo hiểm xã hội các tháng 9, 10, 11 và 12
năm 2019 cho chị căn cứ vào tiền lương 83.600.000 đồng/tháng, chứ không phải
căn cứ vào tiền lương 93.000.000 đồng/tháng.
Chị L đã khiếu nại và cho rằng
Công ty đã đóng bảo hiểm xã hội cho Chị không đúng quy định của pháp luật.
1. Công ty Cổ phần T.P đóng bảo hiểm xã hội các tháng 9, 10, 11
và 12 năm 2019 cho Chị L căn cứ vào tiền lương 83.600.000 đồng/tháng là đúng
hay trái pháp luật?
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 06 tháng (từ tháng
07/2017 đến 12/2017) có được tính để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần và trợ
cấp thất nghiệp hay không?
Ban biên tập
18-01-2021
1. Công ty Cổ phần T.P đóng bảo hiểm xã hội các tháng 9, 10, 11 và 12 năm 2019 cho Chị L căn cứ vào tiền lương 83.600.000 đồng/tháng là đúng hay trái pháp luật?
Căn cứ khoản 2 và 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc: đối với người lao động hưởng tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp tiền lương tháng cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP, mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2019 đến 01/7/2020 là 1.490.000 đồng. Tiền lương tháng của chị L từ ngày 01/9/2019 là: 93.000.000 đồng, cao hơn 20 lần mức lương cơ sở nên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của chị bằng 20 lần mức lương cơ sở, tức là 1.490.000 x 20 = 29.800.000 đồng.
Vì vậy, việc Công ty căn cứ vào tiền lương 83.600.000 đồng/tháng để đóng BHXH cho chị là trái pháp luật.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 06 tháng (từ tháng 07/2017 đến 12/2017) có được tính để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần và trợ cấp thất nghiệp hay không?
Căn cứ khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH có quy định về thời gian tính hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau: “Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN; phải đóng BHYT do cơ quan BHXH đóng.”
Như vậy, thời gian nghỉ thai sản người lao động vẫn được tính là tham gia BHXH, do đó vẫn được tính vào thời gian hưởng chế độ BHXH một lần. Tuy nhiên, khoảng thời gian trên không được tính vào thời gian đóng BHTN nên cũng không được tính vào thời gian để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.