Người lao động được hưởng chế độ ốm đau với thời hạn tối đa bao nhiêu ngày? Cách xác định mức hưởng chế độ ốm đau khi người lao động làm việc trong điều kiện thông thường như thế nào?
491 lượt xem
Anh C đóng bảo hiểm dưới 15
năm, theo quy định anh C được hưởng chế độ ốm đau 30 ngày/năm. Tháng 11/2016
anh C có bị gãy chân và đi khám tại Bệnh viện 175 (Mã KCB: 034) nơi anh C đăng
ký khám chữa bệnh ban đầu.
Anh C được chẩn đoán là gãy
xương và được bác sĩ đề nghị nghỉ 10 ngày (kể cả ngày T7, CN), bộ phận cấp giấy
C65 cho tôi nghỉ từ 08/11-17/11. Đến ngày 17/11, anh C đi tái khám và được bác
sĩ khám và đề nghị nghỉ thêm 10 ngày nhưng bộ phận cấp giấy C65 hôm trước không
đồng ý cấp cho anh C với lý do trong 1 tháng không được nghỉ quá 10 ngày.
Anh C có liên hệ trưởng ban
khoa thống kê - tổng hợp của BV 175 để thắc mắc và được đưa cho Thông tư liên tịch
11/1999/TTLT-BYT-BHXH và sau khi nghiên cứu thì thông tư không có quy định
trong tháng nghỉ tối đa bao nhiêu ngày.
Ở phần trích dẫn chỉ là BV
175 có quyền cấp nhiều ngày nghỉ hơn 10 ngày so với các Trung tâm y tế quận,
huyện....là 7 ngày.
"2. Quyền hạn:
2.1.
Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến trung ương, bệnh viện trực thuộc Bộ,
Ngành, bệnh viện quân khu, quân đoàn cho người bệnh nghỉ tối đa không quá 10
ngày.
2.2.
Trung tâm Y tế quận, huyện, phòng khám đa khoa khu vực, bệnh xá các đơn vị lực
lượng vũ trang, các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được quyền cho nghỉ tối đa
không quá 7 ngày."
Anh C sau đó có liên hệ Bộ
phận chi chế độ của BHXH Quận 1thì nhận được phản hồi là không có quy định 10
ngày/tháng, BHXH chỉ quy định 30 ngày/năm.
1. Bệnh viện 175 đã làm
đúng hay sai?
2. Trên giấy C65 ghi ngày
nghỉ 10 ngày, nhưng lại ghi từ 8/11-17/11/2016: gồm cả T7, CN vậy anh C sẽ được
thanh toán thế nào nếu T7, CN là ngày nghỉ hàng tuần của đơn vị anh C?
3. Mức hưởng chế độ ốm đau
của anh C được xác định như thế nào?
Ban biên tập
19-01-2021
1. Bệnh viện 175 đã làm đúng hay sai?
Theo điểm a khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về thời gian nghỉ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
“a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên”;
Thứ nhất, trường hợp của anh C có thời gian tham gia BHXH dưới 15 năm theo quy định trên anh C sẽ được nghỉ ốm bệnh thông thường hưởng trợ cấp 30 ngày/năm. Như vậy, với 30 ngày được nghỉ ốm anh C có thể nghỉ một lần hoặc nghỉ nhiều lần nhưng tổng số ngày được thanh toán trợ cấp BHXH sẽ không được vượt quá 30 ngày.
Thứ hai, tại Thông tư 56/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/3/2018 thì không có nội dung nào quy định bệnh viện chỉ được cấp tối đa bao nhiêu ngày đối với các trường hợp bệnh mà phải điều trị ngoại trú. Vậy khi khám chữa bệnh tại BV 175 anh C có thể yêu cầu BV cấp chứng từ theo quy định.
Do đó việc bộ phận cấp giấy C65 của bệnh viện 175 không đồng ý cấp cho anh C với lý do trong 1 tháng không được nghỉ quá 10 ngày là không đúng.
2. Trên giấy C65 ghi ngày nghỉ 10 ngày, nhưng lại ghi từ 8/11-17/11/2016: gồm cả T7, CN vậy anh C sẽ được thanh toán thế nào nếu T7, CN là ngày nghỉ hàng tuần của đơn vị tôi?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 về thời gian hưởng chế độ ốm đau là “1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định …tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần…” Do đó, nếu C65-HD cho nghỉ từ ngày 8/11/2016 đến ngày 17/11/2016, đơn vị bạn nghỉ hàng tuần vào ngày thứ 7 và chủ nhật thì số ngày được thanh toán chế độ ốm đau sẽ là 8 ngày.
3. Mức hưởng chế độ ốm đau của anh C được xác định như thế nào?
Anh C là người làm việc trong chế độ bình thường có thời gian tham gia BHXH dưới 15 năm nên anh C thuộc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 do đó mức hưởng chế độ ốm đau của anh C được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 theo đó: “mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc”.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.