Khi nào người lao động được hưởng chế độ ốm đau dài ngày? Thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa là bao nhiêu ngày? Phân biệt giữa chế độ ốm đau và chế độ ốm đau dài ngày?

255 lượt xem
Anh Nguyễn Văn P đang làm việc tại Công ty Cổ phần A.P. Anh P đã đóng bảo hiểm xã hội được 8 năm 4 tháng. Từ tháng 01/2019 đến nay, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội mỗi tháng của anh P là 5.480.000 đồng. Ngày 20/7/2020, anh P bị tai nạn gãy xương cánh tay phải phẫu thuật (Mổ & bắt vít).

1. Trường hợp của anh P có được hưởng chế độ ốm đau dài ngày hay không?

2. Anh P được hưởng chế độ ốm đau tối đa là bao nhiêu ngày?

3. Cách tính số tiền trợ cấp ốm đau đối với trường hợp của anh P được quy định như thế nào?

Ban biên tập
19-01-2021

1. Trường hợp của anh P có được hưởng chế độ ốm đau dài ngày hay không?

Trường hợp của anh P bị tai nạn gãy xương không phải là trường hợp gãy xương bệnh lý theo như quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BYT. Vì vậy, không giải quyết chế độ nghỉ ốm theo danh mục bệnh dài ngày. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì anh P vẫn sẽ được hưởng chế độ ốm đau vì trong trường hợp này anh P bị tai nạn nhưng không phải là tai nạn lao động và không thuộc trường hợp tự hủy hoại sức khỏe bản thân. Anh P cần cung cấp sự xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế để có thể nhận được trợ cấp ốm đau trong trường hợp này.

2. Anh P được hưởng chế độ ốm đau tối đa là bao nhiêu ngày?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về thời gian hưởng chế độ ốm đau thì thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

+Trong trường hợp làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

+ Trong trường hợp làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Anh P đóng BHXH được 8 năm 4 tháng và công việc của anh là làm việc trong điều kiện bình thường do đó áp dụng các cơ sở trên thì trường hợp nghỉ ốm của anh P sẽ được nghỉ tối đa 30 ngày làm việc/1 năm.

3. Cách tính số tiền trợ cấp ốm đau đối với trường hợp của anh P được quy định như thế nào?

Mức hưởng trợ cấp ốm đau được quy định tại Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau: “1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc”. Như vậy mức hưởng chế độ ốm đau của anh P sẽ bằng:

Tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc chia cho 24 nhân 75% nhân Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận