Nếu công ty phá sản thì khi sinh con người lao động có được hưởng trợ cấp thai sản hay không? Tiền hỗ trợ thai sản do ai chi trả? Người lao động khi chưa chốt sổ BHXH ở công ty cũ thì có được đóng BHXH tại công ty mới không?
292 lượt xem
Chị Trần Thị Diệu A ký hợp
đồng lao động 24 tháng với Công ty Cổ phần K.G. Chị A đã tham gia đóng bảo hiểm
xã hội ở Công ty này từ tháng 12/2019. Do sức khỏe yếu cho nên chị A đã viết
đơn xin nghỉ việc từ tháng 8/2020 và đã được Công ty đồng ý.
Tuy nhiên, hiện nay, Công
ty K.G vẫn còn nợ tiền bảo hiểm xã hội cho nên chị A không chốt được sổ bảo hiểm
xã hội.
Chính vì vậy, chị A đã đề
nghị Công ty hỗ trợ tiền thai sản khi Chị sinh con. Phía Công ty cho rằng, tiền
thai sản do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả; do đó, Công ty đã từ chối yêu cầu
của Chị A.
1. Công ty K.G từ chối hỗ
trợ tiền thai sản cho chị A đúng hay không?
2. Hiện tại, Công ty vẫn
còn nợ tiền bảo hiểm xã hội. Trường hợp Công ty bị phá sản và chị A không chốt
được sổ bảo hiểm xã hội thì khi sinh con thì chị A có được nhận trợ cấp thai sản
hay không?
3. Trong khi chưa chốt được
sổ bảo hiểm xã hội, Chị A đi làm việc ở Công ty khác thì có được đóng bảo hiểm
xã hội hay không?
Ban biên tập
19-01-2021
1. Công ty K.G từ chối hỗ trợ tiền thai sản cho chị A đúng hay không?
Công ty từ chối giải quyết hỗ trợ tiền thai sản cho chị A là sai. Bởi lẽ, tuy rằng khi nghỉ chế độ thai sản thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ có trách nhiệm thanh toán chế độ thai sản cho người lao động theo đúng quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Nhưng việc giải quyết chế độ thai sản cho người lao động sẽ được cơ quan bảo hiểm thực hiện thông qua đơn vị sử dụng lao động đối với người lao động đang làm việc và lúc này người sử dụng lao động là Công ty KG sẽ phải thanh toán trước chế độ thai sản cho chị A khi chị đáp ứng đủ điều kiện hưởng rồi sau đó sẽ được cơ quan bảo hiểm quyết toán lại theo quý. Theo quy định tại khoản 2 Điều 102 L. BHXH 2014 về Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản thì: “2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội”. Như vậy, việc công ty KG từ chối hỗ trợ tiền thai sản cho chị A đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị.
2. Hiện tại, Công ty vẫn còn nợ tiền bảo hiểm xã hội. Trường hợp Công ty bị phá sản và chị A không chốt được sổ bảo hiểm xã hội thì khi sinh con thì chị A có được nhận trợ cấp thai sản hay không?
Giả sử tháng 9 chị A sinh con nhưng trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 09/2020 chị A đã đóng bảo hiểm được đủ 06 tháng trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chị A sẽ được hưởng trợ cấp thai sản cho dù công ty có chốt sổ, phá sản thì đều không liên quan đến việc nhận tiền thai sản của chị A.
Tuy nhiên, việc chị A cung cấp thông tin rằng: công ty đang nợ chị tiền bảo hiểm, vậy thì khoảng thời gian chị A đã tham gia bảo hiểm thì công ty có đóng cho chị hay không hoặc công ty chỉ trừ tiền của chị A mà không thực hiện đóng bảo hiểm cho chị. Nếu trường hợp công ty không đóng thì chị A sẽ không được hưởng chế độ thai sản. Lúc này chị A cần đến cơ quan bảo hiểm để cơ quan thực hiệnviệc tra cứu cho chị hoặc chị có thể lên công ty để hỏi trực tiếp việc đóng bảo hiểm này.
3. Trong khi chưa chốt được sổ bảo hiểm xã hội, Chị A đi làm việc ở Công ty khác thì có được đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Luật Lao động 2019 về trách nhiệm khi chấm dứt Hợp đồng lao động thì: “Người sử dụng lao động phỉa có trách nhiệm: Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động”.
Theo quy định tại Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì: “3.2. Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH” và khoản 4 Điều này cũng nêu rõ: “Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới”.
Như vậy, việc không chốt được sổ BHXH sẽ gây ra nhiều gặp khó khăn trong việc đóng tiếp BHXH trên số BHXH đã được cấp cho chị A. Tuy nhiên vì chị A có ký kết hợp đồng lao động tại công ty mới nên theo quy định của Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì đây là trường hợp phải tham gia BHXH bắt buộc, do vậy công ty mới mà chị đang làm vẫn phải thực hiện thủ tục báo tăng lao động để đóng BHXH cho chị A nên chị vẫn có thể đóng BHXH ở công ty mới. Ngoài ra, dựa trên cơ sở pháp lý vừa nêu thì một người không được phép có nhiều sổ bảo hiểm, nếu có từ 2 sổ trở lên thì buộc phải thu hồi và làm thủ tục gộp sổ bảo hiểm nên sổ BHXH của chị A phải được gộp thành 1 sổ.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.