Có phải đóng BHXH khoản phụ cấp không có mức tiền cụ thể không? Xử lý như thế nào nếu có hành vi trốn đóng BHXH?
263 lượt xem
Để khuyến khích nhân viên
trong Công ty luôn biết ngoại ngữ, Công ty chị B đang chi trả các khoản chế độ
và phúc lợi, áp dụng chung cho toàn bộ nhân viên trong Công ty với điều kiện là
sẽ có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định tương ứng với các trình độ kể cả không
sử dụng trong công việc.
Cụ thể, trong tiếng Nhật có
các cấp độ như N5, N4, N3, N2, N1, bất kỳ nhân viên nào thi đạt chứng chỉ đã
tham gia thì sẽ được nhận loại trợ cấp tương ứng với trình độ mình đạt được
theo cấp chứng chỉ, ngoài khoản tiền quy định trả cho nhân viên dựa theo chứng
chỉ sẽ có khoản nói tiếng Nhật theo thực tế đánh giá từ người Nhật qua cách nói
chuyện hoặc bài kiểm tra.
Khoản tiền liên quan đến tiếng
Nhật này sẽ áp dụng chung cho tất cả nhân viên và khoản tiền này sẽ coi là khoản
phúc lợi, được chi trả hàng tháng cùng với kỳ nhận lương và sẽ được nhận 100%
theo mức đã quy định nếu như trong tháng làm việc đó nhân viên có số ngày làm
việc trong 1 tháng từ 10 ngày trở lên; nếu nhân viên làm việc dưới 10 ngày thì
khoản trợ cấp đó sẽ không nhận đủ và được tính theo Công thức = Tổng số tiền/ Số
ngày công đi làm trong tháng x Số ngày công thực tế đi làm.
1.Khoản tiền hỗ trợ liên
quan đến ngoại ngữ của chị B có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không?
2.Trường hợp khoản tiền hỗ
trợ liên quan đến ngoại ngữ của chị B phải đóng bảo hiểm xã hội nhưng Công ty
TNHH K.P không đóng thì Công ty sẽ bị xử phạt như thế nào?
3.Biện pháp khắc phục hậu
quả nào có thể được áp dụng nếu trong trường hợp giả định khoản tiền hỗ trợ
liên quan đến ngoại ngữ của chị B phải đóng bảo hiểm xã hội nhưng Công ty TNHH
K.P không đóng?
Ban biên tập
19-01-2021
1.Khoản tiền hỗ trợ liên quan đến ngoại ngữ của chị B có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Theo quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 6 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN; quản lý sổ BHXH, BHYT quy định: Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.
Các khoản sau sẽ không phải đóng BHXH: Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động theo Điểm b Khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.
Như vậy, trong trường hợp Công ty KP chi trả khoản phụ cấp tiếng Nhật không xác định mức tiền cụ thể trong mỗi kỳ trả lương mà khoản tiền nhận được dựa trên số ngày công đi làm và thực tế đánh giá từ người Nhật qua cách nói chuyện hoặc bài kiểm tra và là khoản không cố định nên khoản phụ cấp này Công ty không phải đóng BHXH cho người lao động.
2.Trường hợp khoản tiền hỗ trợ liên quan đến ngoại ngữ của chị B phải đóng bảo hiểm xã hội nhưng Công ty TNHH K.P không đóng thì Công ty sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trong trường hợp khoản tiền hỗ trợ liên quan đến ngoại ngữ của chị B phải đóng bảo hiểm xã hội nhưng Công ty TNHH K.P không đóng thì công ty KP đã vi phạm vào điều cấm của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tại khoản 1 Điều 17: “Các hành vi bị nghiêm cấm: 1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp” và do đó theo quy định tại khoản 6 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP Công ty KP sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu trong trường hợp việc trốn đóng BHXH của Công ty KP đến mức hình sự thì sẽ áp dụng Điều 216 BLHS 2015 trong trường hợp này, cụ thể tại khoản 1 Điều luật này có nêu: “Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm”
3.Biện pháp khắc phục hậu quả nào có thể được áp dụng nếu trong trường hợp giả định khoản tiền hỗ trợ liên quan đến ngoại ngữ của chị B phải đóng bảo hiểm xã hội nhưng Công ty TNHH K.P không đóng?
Trong trường hợp khoản tiền hỗ trợ phải đóng BHXH nhưng Công ty KP không thực hiện việc đóng khoản tiền này thì bên cạnh việc xử phạt ta còn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 7 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất là buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng;
Thứ hai là buộc nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm từ 30 ngày trở lên
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.