Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì? Đối tượng thuộc trường hợp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc? Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc xử lý như thế nào?

170 lượt xem

Bên tranh chấp 1: Bà Vũ Thị H (1992)

Bên tranh chấp 2: Công ty TNHH ĐV (“Công ty ĐV”)

Bên liên quan khác: Bảo hiểm xã hội thành phố H.

Tháng 10/2013 chị H bắt đầu đi làm tại Công ty ĐV theo Hợp đồng lao động có thời hạn số 1307009 ngày 02/10/2013 với thời hạn là 03 năm. Đến ngày 14/4/2018 chị nghỉ việc. Theo hồ sơ bảo hiểm xã hội chị tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 1/2014 đến hết tháng 3/2018. Từ tháng 10/2013 đến tháng 12/2013 công ty ĐV không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho chị và không có bảng lương của chị H trong thời gian này.

Nay chị khởi kiện yêu cầu công ty ĐV đóng bù Bảo hiểm xã hội còn thiếu cho chị từ tháng 10/2013 đến tháng 12/2013, yêu cầu cơ quan Bảo hiểm xã hội Thành phố Hải Phòng có trách nhiệm truy thu số tiền mà Công ty ĐV không đóng và cấp lại sổ bảo hiểm cho chị H.

1. Chị H có thuộc trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không?

2. Việc Công ty ĐV không đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho chị từ tháng 10/2013 đến tháng 12/2013 có vi phạm hay không?

3. Yêu cầu của chị H được giải quyết như thế nào?

Ban biên tập
13-01-2021

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về các trường hợp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: “…Người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn,…” chị H làm việc tại Công ty ĐV theo Hợp đồng lao động xác định thời hạn số 1307009 ngày 02/10/2013 với thời hạn 03 năm do đó chị H thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

2. Hành vi không đóng bảo hiểm bắt buộc cho chị H của Công ty ĐV từ tháng 10/2013 đến tháng 12/2013 đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về hành vi bị nghiêm cấm bao gồm hành vi “Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc” do đó theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về xử lý vi phạm: ngoài việc Công ty ĐV phải đóng đủ số tiền chưa đóng từ tháng 10/2013 đến tháng 12/2013 cho chị H và bị xử lý theo quy định của pháp luật thì còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

3. Yêu cầu của chị H được giải quyết như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chị H thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Căn cứ Điều 17, khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì Công ty ĐV phải thực hiện đóng bù bảo hiểm xã hội còn thiếu cho chị từ tháng 10/2013 đến tháng 12/2013. Việc truy đóng bảo hiểm bắt buộc là phù hợp tại điểm 1.1, khoản 1 Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 về các trường hợp truy thu: “Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (sau đây gọi là trốn đóng) do cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền kết luận từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng ...”.

Ngoài ra, việc không cung cấp được tài liệu chứng minh về bảng lương của chị H thời gian từ tháng 10/2013 đến tháng 12/2013 là lỗi của người sử dụng lao động nên không xác định được Công ty ĐV đã trích tiền BHXH, BHYT, BHTN của chị H chưa do đó Công ty ĐV phải truy đóng BHXH, BHYT, BHTN bao gồm cả phần của chị H với tỉ lệ đóng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận