Các loại hình doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam
279 lượt xem
Có những loại hình doanh
nghiệp nào theo quy định của pháp luật Việt Nam?
Ban biên tập
29-06-2020
Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.[1] Doanh nghiệp có những loại hình khác nhau. Theo pháp luật doanh nghiệp hiện hành, có bốn (04) loại hình doanh nghiệp sau: doanh nghiệp tư nhân (DNTN), công ty cổ phần (CP), công ty hợp danh (HD), công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Loại hình doanh nghiệp (hình thức pháp lý của doanh nghiệp) bao gồm các yếu tố, dấu hiệu, đặc điểm pháp lý để nhận dạng doanh nghiệp, phân biệt loại hình doanh nghiệp này với các loại hình doanh nghiệp khác.
Mỗi loại hình doanh nghiệp có một quy chế pháp lý riêng về tổ chức quản lý, hoạt động, quyền và nghĩa vụ. Tùy thuộc vào nhu cầu, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể mà nhà đầu tư sẽ lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp để gia nhập thị trường. Ví dụ, ở góc độ số lượng chủ thể thành lập doanh nghiệp, nếu nhà đầu tư có nhu cầu kinh doanh chung với người khác thì có thể góp vốn với các tổ chức, cá nhân khác để thành lập doanh nghiệp nhiều chủ sở hữu, đó là công ty CP, công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty HD; còn nếu nhà đầu tư chỉ có nhu cầu thành lập doanh nghiệp một chủ sở hữu thì có thể lựa chọn DNTN hoặc công ty TNHH một thành viên. Hoặc trường hợp nhà đầu tư muốn khối tài sản không đưa vào kinh doanh của mình được an toàn thì họ có thể lựa chọn thành lập công ty TNHH hoặc công ty CP với chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn, thay vì lựa chọn DTTN hoặc công ty HD (có chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn).
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp có thể bị giới hạn bởi quy định của pháp luật chuyên ngành. Đơn cử, theo Luật Phá sản năm 2014, các loại doanh nghiệp sau đây được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản,đó là công ty HD hoặc DNTN.[2] Hay trong lĩnh vực ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017) quy định các tổ chức tín dụng được thành lập dưới các loại hình doanh nghiệp sau: (i) Ngân hàng thương mại trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty CP; (ii) Ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; (iii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty CP, công ty TNHH; (iv) Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty TNHH; (v) Tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty TNHH.[3]
[3] Điều 6 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017).
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.