Khái niệm và đặc điểm cơ bản của doanh nghiệp tư nhân
433 lượt xem
Doanh nghiệp
tư nhân là gì? Đặc điểm cơ bản của doanh nghiệp tư nhân là gì?
Ban biên tập
16-07-2020
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là một trong bốn loại hình doanh nghiệp theo pháp luật doanh nghiệp Việt Nam. Dựa trên các quy định về DNTN của Luật Doanh nghiệp năm 2014, có thể định nghĩa DNTN như sau: DNTN là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, có chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn và do một cá nhân làm chủ sở hữu; DNTN không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
DNTN là loại hình doanh nghiệp phù hợp với các nhà đầu tư kinh doanh với quy mô nhỏ, có nhu cầu chi phối và quyết định đến hoạt động kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Về cơ bản, DNTN có những đặc điểm pháp lý cơ bản sau đây:
Thứ nhất, DNTN là một loại hình doanh nghiệp.
DNTN là một loại hình doanh nghiệp, được thành lập thông qua thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Chính vì vậy, DNTN có tư cách doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động kinh doanh, có các quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản xác nhận sự ra đời, tồn tại và hoạt động của DNTN.
Thứ hai, DNTN do một cá nhân thành lập và làm chủ sở hữu.
Chủ thể thành lập nên DNTN phải là cá nhân và cá nhân này là người duy nhất làm chủ sở hữu doanh nghiệp. Nếu trong quá trình hoạt động, chủ sở hữu muốn tiếp nhận thêm tổ chức, cá nhân khác vào doanh nghiệp thì bắt buộc phải chuyển sang hoạt động dưới loại hình doanh nghiệp khác. Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phép DNTN được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.[1]
Giữa chủ sở hữu và DNTN có mối quan hệ gắn bó, lệ thuộc chặt chẽ với nhau trong tổ chức và hoạt động, điển hình như: chủ sở hữu luôn là người đại diện theo pháp luật; chủ sở hữu có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp…
DNTN giống với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đều là doanh nghiệp có một chủ sở hữu. Tuy nhiên, chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể là cá nhân hoặc là tổ chức, còn chủ sở hữu của DNTN chỉ có thể là cá nhân. Đặc biệt, quy chế pháp lý trong tổ chức hoạt động của hai loại doanh nghiệp này khác biệt nhau khá cơ bản.
Thứ ba, DNTN là tổ chức không có tư cách pháp nhân.
Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân chỉ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: (i) được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan; (ii) có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự năm 2015; (iii) có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (iv) nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Đối chiếu các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho thấy DNTN không đáp ứng một số điều kiện để được công nhận là pháp nhân, cụ thể:
- DNTN không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật sở hữu: Đối với DNTN, tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ DNTN không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.[2] Cho nên, nguồn vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh của DNTN được gọi là vốn đầu tư của chủ sở hữu DNTN, vẫn là tài sản thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp. Hay nói cách khác, DNTN không có tài sản, không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật sở hữu. Trong quá trình hoạt động, người chủ sở hữu là người chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài sản và nghĩa vụ tài chính khác phát sinh từ hoạt động của DNTN.
- DNTN không thể nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập trong một số trường hợp: cụ thể, DNTN không thể tự mình tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng, mà buộc phải dựa vào tư cách của chủ sở hữu. Theo đó, chủ DNTN là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.[3]
DNTN không phải là pháp nhân, cho nên trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực đầu tư kinh doanh, DNTN không có quyền tham gia. Đặc biệt là trong các ngành nghề, lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…
Thứ tư, DNTN có chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn.
DNTN có chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn xuất phát từ quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, chủ sở hữu tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.[4] Trên thực tế, đặc điểm này cũng khiến nhiều nhà đầu tư e ngại việc lựa chọn loại hình DNTN, bởi khi vì khi hoạt động của DNTN phát sinh các khoản nợ thì chủ sở hữu có trách nhiệm thanh toán hết các khoản nợ này. Đặc điểm này của DNTN giống với loại hình công ty hợp danh.
Thứ năm, DNTN không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau: (i) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; (ii) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; (iii) Chứng khoán phái sinh; (iv) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.[5] DNTN không có quyền phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào để huy động vốn. Cho nên, khi có nhu cầu vốn, phục vụ cho hoạt động kinh doanh, DNTN phải huy động bằng các cách thức khác, chẳng hạn chủ sở hữu bỏ thêm vốn đầu tư.
Những đặc điểm cơ bản trên tạo nên đặc trưng cho DNTN. Tuy nhiên về tổng thể, khi so sánh DNTN với các loại hình doanh nghiệp khác, không nên nhận định một loại hình doanh nghiệp nào là tối ưu nhất. Bởi vì, tùy thuộc vào nhu cầu, hoàn cảnh và điều kiện nhất định mà DNTN sẽ phù hợp với từng nhà đầu tư cụ thể.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.