Số lượng và điều kiện trở thành cổ đông của công ty cổ phần

714 lượt xem
Số lượng cổ đông của công ty cổ phần là bao nhiêu? Đối tượng nào có thể trở thành cổ đông của công ty cổ phần?
Ban biên tập
23-07-2020

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, số lượng cổ đông công ty cổ phần (CTCP) phải có là tối thiểu 03 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa. Việc không hạn chế số lượng tối đa xuất phát từ những đặc trưng cơ bản của CTCP, là công ty đối vốn và có tính mở, có kênh huy động vốn rộng rãi và việc xác lập tư cách cổ đông công ty rất dễ dàng. Nhà đầu tư khi sở hữu một, một số hoặc nhiều cổ phần (CP) của CTCP thì nhà đầu tư đó sẽ trở thành cổ đông của CTCP đó. Cho nên, việc Luật Doanh nghiệp năm 2014 không hạn chế số lượng cổ đông tối đa là hướng tới mục đích giúp công ty này huy động vốn từ công chúng.

Về khái niệm cổ đông và cổ đông sáng lập: Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một CP của CTCP. Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một CP phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập CTCP.[1] Các cổ đông sáng lập có nghĩa vụ phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số CP phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng CP của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng CP phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.[2] Xuất phát từ “sứ mệnh” duy trì sự ổn định của về mặt tài chính của CTCP, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định ràng buộc về nghĩa vụ mua số CP phổ thông tối thiểu và sự hạn chế trong việc chuyển nhượng CP của cổ đông sáng lập; giúp cho cổ đông và nhà đầu tư có được tâm lý “an tâm” khi đầu tư hoặc quyết định đầu tư vào CTCP trong thời gian mới gia nhập thị trường.

Cổ đông CTCP có thể là tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc cá nhân. Như vậy, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đều có thể trở thành cổ đông CTCP. Hay thậm chí, chính bản thân CTCP cũng có thể trở thành cổ đông của các CTCP khác. Đối với trường hợp doanh nghiệp tư nhân thì doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua CP của CTCP (khoản 3 Điều 183 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Về bản chất, doanh nghiệp tư nhân không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật sở hữu, bởi khi thành lập thì người thành lập DNTN không phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn sang cho doanh nghiệp tư nhân.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận