Quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần

252 lượt xem
Đại hội đồng cổ đông có những quyền và nghĩa vụ gì trong công ty cổ phần? 
Ban biên tập
24-09-2020

Theo Điều 135 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Khác với các hình thức đầu tư khác, khi nhà đầu tư trở thành cổ đông của công ty cổ phần thì ngoài mục đích là tìm kiếm lợi nhuận, họ còn có các quyền lợi khác, trong đó có quyền tham gia Đại hội đồng cổ đông và được định đoạt số phận của công ty thông qua quyền biểu quyết của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, pháp luật Việt Nam chỉ nhìn nhận cổ đông là nhà đầu tư chứ không phải là người quản lý doanh nghiệp, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có quyền quyết định cao nhất chứ không phải là cơ quan quản lý công ty.[1] Cổ đông chỉ có thể là người quản lý doanh nghiệp khi được bầu, bổ nhiệm vào chức danh quản lý công ty.

Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thông qua định hướng phát triển của công ty;

b) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần;

c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;

d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác;

đ) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

g) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;

h) Xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;

i) Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty;

k) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều lệ công ty.

Như vậy, với tư cách là cơ quan có quyết quyền định cao nhất trong công ty cổ phần, Đại hội đồng cổ đông được pháp luật doanh nghiệp trao cho các quyền mang tính chất quan trọng, mà khi thực thi các quyền này sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển của công ty cổ phần và quyết định các giá trị lợi ích có liên quan. Ngoài ra, nhằm đảm bảo cho sự linh hoạt và mở rộng quyền tự do kinh doanh cho nhà đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014 còn trao cho Điều lệ công ty được quy định các quyền khác cho Đại hội đồng cổ đông.


[1] Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2016), Giáo trình pháp luật về chủ thể kinh doanh, Bùi Xuân Hải (Chủ biên), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr. 288.


Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận