Điều kiện gì để được hưởng chế độ tai nạn lao động? Quy trình để được hưởng trợ cấp tai nạn lao động?

238 lượt xem

Bên tranh chấp 1: Nguyên đơn: Bà Trần Bội Q, sinh năm 1986
Bên tranh chấp 2: Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Y.

Bà Trần Bội Q bắt đầu làm việc tại Công ty TNHH Y từ ngày 01/11/2007 với chức danh trợ lý. Vào khoảng 19 giờ ngày 17/7/2016 bà Q trên đường đi làm từ trụ sở Công ty Y về nhà thì bị tai nạn giao thông trên đường. Bà Q được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Hậu quả của tai nạn làm cho bà Q bị nhiều tổn thương như lóc da mông hai bên, vết thương tầng sinh môn, lóc da cẳng chân hai bên, gãy xương chậu, gãy ổ cối trái nên bà Q phải trải qua 03 đợt điều trị tại Bệnh viện. Ngoài ra, theo biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 17/7/2016, biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông ngày 27/7/2016 của Công an huyện B thì vào lúc 19 giờ ngày 17/7/2016 trên đường đi từ công ty Y về nhà, bà đã gặp tai nạn giao thông, lỗi được xác định do người khác gây ra. Sau khi ra viện bà Q có liên hệ với Công ty Y để được bồi thường, hỗ trợ các khoản chi phí điều trị, nhưng hai bên chưa thỏa thuận được. Do đó, bà Q khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Công ty Y phải bồi thường cho bà Q các khoản chi phí sau:

1. Bồi thường tiền do tai nạn lao động không phải do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên là 150.450.000 đồng.

2. Trợ cấp tai nạn lao động là 61.360.000 đồng.

1. Bà Q có đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động hay không?

2. Yêu cầu của bà Q được giải quyết như thế nào?

3. Bà Q cần thực hiện thủ tục gì để được hưởng chế độ tai nạn lao động?

Ban biên tập
15-01-2021

1. Căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, vì bà Q là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nên bà là đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bà Q đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động vì:

Căn cứ điểm c khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, bà Q bị tai nạn lao động khi đang trên tuyến đường đi từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Cụ thể qua biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 17/7/2016, biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông ngày 27/7/2016 của Công an huyện B, xác định vào lúc 19 giờ ngày 17/7/2016 trên đường đi từ công ty Y về nhà bà Q đã gặp tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, xác định được bà bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn giao thông như trên gây ra. Ngoài ra, bà không thuộc các nguyên nhân không được hưởng chế độ tai nạn lao động quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật này. Vậy, bà Q đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động.

2. Yêu cầu của bà Q được giải quyết như sau:

Về yêu cầu bồi thường tiền do tai nạn lao động không phải do lỗi của bà T và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên là 150.450.000 đồng:

Căn cứ khoản 2 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, do bà Q bị tai nạn khi từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý (đã có biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 17/7/2016, biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông ngày 27/7/2016 của Công an huyện B xác nhận), bên cạnh đó cũng xác định được lỗi dẫn đến bà Q bị tai nạn giao thông là lỗi của người khác gây ra, vậy người sử dụng lao động là Công ty Y phải trợ cấp mà không phải bồi thường cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 38 Luật này. Cụ thể mức trợ cấp như sau:

Trợ cấp cho bà Q bị tai nạn lao động một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

Giả sử: bà Q bị suy giảm 25% khả năng lao động, tiền lương hằng tháng là 5.000.000 đồng, vậy mức trợ cấp bà sẽ được Công ty Y chi trả là:

+ Suy giảm 10% khả năng lao động: trợ cấp 1,5 tháng tiền lương

+ Suy giảm từ 15% tiếp theo (cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương): trợ cấp 06 tháng tiền lương

Vậy, bà Q sẽ được Công ty chi trả 7,5 tháng tiền lương với tổng số tiền là:

(5.000.000 đồng × 7,5 tháng) × 40% = 15.000.000 đồng

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, yêu cầu Công ty Y bồi thường cho bà sẽ không được chấp nhận.

Về yêu cầu Công ty Y trả trợ cấp tai nạn lao động cho bà Q:

Căn cứ khoản 5 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan thực hiện việc giải quyết và chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho bà Q mà không phải là Công ty Y.

Như vậy, yêu cầu của bà buộc Công ty Y trả trợ cấp tai nạn lao động sẽ không được chấp nhận, bà Q có nghĩa vụ nộp hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động cho cơ quan bảo hiểm xã hội để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Giả sử:

Trường hợp 1: Bà Q bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%

Theo quy định tại Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, bà Q sẽ được hưởng trợ cấp một lần với mức hưởng quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp 2: Bà Q bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên

Theo quy định tại Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, bà Q sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng với mức hưởng quy định tại khoản 2 Điều này.

3. Thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động:

Theo quy định tại Điều 57 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, bà Q cần chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:

+ Sổ bảo hiểm xã hội.

+ Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.

+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

+ Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.

Tiếp đến, theo quy định tại Điều 59 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, bà Q có trách nhiệm nộp hồ sơ như trên cho Công ty Y. Sau đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ từ bà Q, Công ty Y có trách nhiệm nộp hồ sơ nêu trên cho cơ quan bảo hiểm xã hội để bà Q được cơ quan này giải quyết và tổ chức chi trả chế độ tai nạn lao động.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận