QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA KHU NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2021 của Thủ
tướng Chính phủ)
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về hoạt động của
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên.
2. Đối tượng áp dụng Quy chế này là tổ
chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước
ngoài hoạt động tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên.
Điều 2. Mục tiêu
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thái Nguyên với nòng cốt là các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp
tham gia vào đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông
nghiệp; tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản
phẩm nông nghiệp có năng suất chất lượng và giá trị gia tăng cao; xây dựng mô
hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng vùng sản xuất
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền
núi phía Bắc.
Điều 3. Chức
năng, nhiệm vụ
1. Chức năng
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thái Nguyên là khu thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm,
trình diễn mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao chủ yếu trong lĩnh vực:
Trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, bảo quản chế biến nông sản, sản xuất chế phẩm
sinh học, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều hòa sinh trưởng cho cây
trồng; đào tạo tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành
nông nghiệp của tỉnh, vùng và cả nước.
2. Nhiệm vụ
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thái Nguyên có các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
a) Thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng
dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
cho tỉnh, vùng và cả nước;
b) Liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng
dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực
nông nghiệp;
c) Đào tạo nhân lực công nghệ cao trong
lĩnh vực nông nghiệp cho tỉnh, vùng và cả nước;
d) Tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm,
trình diễn công nghệ, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
đ) Thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công
nghệ cao trong và ngoài nước thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho tỉnh, vùng và cả nước.
Điều 4. Yêu cầu
về quy hoạch, xây dựng và khai thác cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao
1. Trong quy hoạch chung Khu nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên phải dành ít nhất 60% diện tích cho xây dựng
cơ sở nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp và cung ứng dịch vụ
công nghệ cao trong nông nghiệp; Quy hoạch phải dành ưu tiên đất đai cho các
doanh nghiệp để đầu tư xây dựng các trung tâm, nhà máy tạo công nghệ cao phục
vụ nông nghiệp hoặc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
2. Việc xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng
và các công trình trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên phải
tuân thủ theo quy hoạch và theo đúng mục tiêu của các dự án đầu tư vào Khu nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 5. Hoạt động
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
1. Hoạt động khoa học và công nghệ
a) Nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình
diễn mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực: Trồng trọt (theo
chuỗi giá trị từ nhân giống, sản xuất, sơ chế, chế biến và bảo quản đến sản
phẩm cuối cùng đối với cây dược liệu, chè, rau, hoa, nấm), lâm nghiệp (nhân
giống, kỹ thuật thâm canh rừng nguyên liệu, lâm sản ngoài gỗ), thủy sản (nhân
giống, nuôi thâm canh); sản xuất chế phẩm sinh học, phân bón, thuốc bảo vệ thực
vật, chất điều hòa sinh trưởng cho cây trồng;
b) Các hoạt động khoa học và công nghệ
được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ triển khai thực hiện các nghiên cứu
ứng dụng trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
2. Hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ
cao trong nông nghiệp
a) Hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ
cao bao gồm: Dạy nghề; đào tạo và huấn luyện công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ
quản lý về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; tham gia đào tạo cử nhân,
kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ trong một số chuyên ngành về sinh học, nông nghiệp
thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; đào tạo nông dân
trong vùng về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp;
b) Hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ
cao trong nông nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục và đào
tạo.
3. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
a) Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
bao gồm: Sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục
sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; tổ chức hội chợ, triển
lãm, trình diễn công nghệ và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực
hiện dịch vụ công nghệ cao trong nông nghiệp, dịch vụ cung ứng vật tư, thiết bị
và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện dịch vụ dân sinh;
b) Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện theo cơ chế thị trường,
theo quy định của pháp luật về công nghệ cao và các quy định khác có liên quan.
Điều 6. Vốn và
chính sách ưu đãi đầu tư
1. Vốn đầu tư
Vốn ngân sách nhà nước, bao gồm ngân sách
địa phương và ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng trong Khu nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao theo quy định; kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách
địa phương; vốn của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào các hoạt động ở
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bao gồm các nguồn vốn tín dụng, doanh
nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Chính sách ưu đãi đầu tư
Dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao để thực hiện việc nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nhân lực công nghệ
cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ công nghệ
cao trong nông nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành.
Điều 7. Tổ chức
quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
1. Việc quản lý hoạt động của Khu nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên được thực hiện trên cơ sở bổ sung
chức năng, nhiệm vụ cho một đơn vị sự nghiệp công lập hiện có do Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên xem xét, quyết định đảm bảo nguyên tắc không tăng
đầu mối quản lý và phát sinh biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần
chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết
số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và
quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp
công lập.
2. Chức năng, quyền hạn của đơn vị quản lý
Khu
a) Ban Quản lý là đơn vị sự nghiệp công
lập tự đảm bảo một phần tài chính trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên,
được sử dụng vốn quy định; đầu tư, liên kết đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư để xây
dựng từng phần, từng hạng mục cơ sở hạ tầng hoặc một số hạng mục khác trong Khu
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền giao cho UBND
tỉnh Thái Nguyên lựa chọn đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh đang hoạt động
theo cơ chế tự chủ kinh phí để quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
của tỉnh đảm bảo nguyên tắc không tăng đầu mối quản lý và phát sinh biên chế,
tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017
và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp
tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt
động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Được giao đất để tổ chức xây dựng, phát
triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên theo quy hoạch được
phê duyệt, cho thuê đất cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trong Khu nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của pháp luật về đất đai;
c) Được trực tiếp thực hiện việc duy tu,
bảo dưỡng, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng và các công trình xây dựng
trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
d) Được mở tài khoản tại kho bạc để thu
các khoản thu hồi từ đầu tư ngân sách nhà nước (nếu có), các khoản thu khác để
duy tu, bảo dưỡng và đầu tư trở lại cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Phối hợp với các đơn vị hoạt động trong
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thực hiện các hoạt động nghiên cứu,
đào tạo và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
3. Nhiệm vụ chính của đơn vị quản lý Khu
a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê
duyệt và ban hành:
- Xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm,
05 năm và dài hạn đối với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kế hoạch và
tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ;
- Kế hoạch đầu tư phát triển và dự toán
ngân sách hàng năm (chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên);
- Phối hợp với các cơ quan chức năng dự
thảo đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án, nhà đầu tư vào
đầu tư trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách ưu đãi đối với
các chuyên gia, nhà khoa học; chính sách ưu đãi với cán bộ, công chức, viên
chức và người lao động làm việc tại đơn vị;
- Các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước
và vốn tiếp nhận viện trợ đầu tư phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao;
- Mức thu tiền sử dụng hạ tầng trong Khu
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Các văn bản quy phạm pháp luật và văn
bản khác về Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
b) Tổ chức, kiểm tra, đôn đốc việc thực
hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương
trình, đề án, dự án trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy định và
hướng dẫn thi hành các hoạt động về chuyên môn, nghiệp vụ, các nguyên tắc, quy
tắc làm việc của đơn vị.
c) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án
đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
là chủ đầu tư các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao
quản lý; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá trong nước
và nước ngoài để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao.
d) Quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch:
- Quản lý và tổ chức thực hiện các quy
hoạch xây dựng trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sau khi được các
cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Tổ chức lập, quản lý, giám sát và thực
hiện quy hoạch chi tiết xây dựng các phân khu chức năng;
- Tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng và
phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sau khi được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
đ) Quản lý, sử dụng đất đai:
- Phối hợp với chính quyền địa phương và
các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện việc tái định cư, đền bù, giải phóng
mặt bằng tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng
đất của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hàng năm và 05 năm theo quy định
của pháp luật về quy hoạch và đất đai;
- Thỏa thuận với các doanh nghiệp kinh
doanh cơ sở hạ tầng trong việc định giá cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ
tầng kỹ thuật theo quy định của pháp luật;
- Kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất
trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư theo quyết định giao đất, cho thuê
đất.
e) Quản lý đầu tư, xây dựng và khai thác
cơ sở hạ tầng:
- Quyết định, quản lý các dự án đầu tư xây
dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo thẩm quyền; quản lý
các dự án ODA, các dự án tài trợ đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao Thái Nguyên;
- Có ý kiến về việc xây dựng các công
trình cấp điện, nước, bưu chính viễn thông ngoài địa giới Khu nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao do các doanh nghiệp chuyên ngành thực hiện để phù hợp với
quy hoạch và tiến độ xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Bảo đảm tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ
tầng kỹ thuật và cung cấp các dịch vụ theo đúng các hợp đồng với nhà đầu tư các
dự án;
- Tổ chức vận động đầu tư, lựa chọn nhà
đầu tư xây dựng hạ tầng, triển khai đấu thầu theo quy định và hỗ trợ các nhà
đầu tư xây dựng hạ tầng thực hiện đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao;
- Hướng dẫn các nhà đầu tư, các doanh
nghiệp xây dựng, kinh doanh, khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng theo đúng quy
trình, quy phạm kỹ thuật của nhà nước; thỏa thuận mức thu tiền sử dụng, dịch vụ
liên quan tới hạ tầng;
- Trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng và
duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật do Nhà nước đầu tư tại Khu
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
g) Quản lý các dự án đầu tư:
- Đề xuất các hướng ưu tiên, các hình thức
hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, đào tạo,
sản xuất, kinh doanh và dịch vụ công nghệ cao trong nông nghiệp;
- Tham gia thẩm định hồ sơ xin cấp giấy
chứng nhận đầu tư trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định
của pháp luật;
- Kiểm tra và xác nhận bằng văn bản đối
với các nội dung đã trình bày trong Bản thuyết minh dự án ứng dụng công nghệ
cao, đề tài, dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp của
tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển
công nghệ cao trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên.
h) Quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường
và phát triển bền vững:
- Xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường
đối với các dự án đầu tư tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên
theo ủy quyền và theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp với cơ quan quản lý môi trường
địa phương trong việc quản lý, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ tài
nguyên và môi trường trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên;
kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực tài
nguyên và môi trường.
i) Quản lý lao động, cư trú và an ninh
trật tự:
- Quản lý, kiểm tra, đôn đốc việc thực
hiện các quy định pháp luật về lao động và cư trú trong Khu nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao Thái Nguyên theo ủy quyền của cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền;
- Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa
phương và các cơ quan liên quan ban hành quy định bảo đảm an ninh, trật tự,
phòng cháy, chữa cháy và thực hiện nếp sống văn hóa trong quá trình xây dựng,
quản lý và khai thác các công trình trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao.
k) Hợp tác, đầu tư với nước ngoài và
thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:
- Hợp tác, đầu tư với nước ngoài về công
nghệ cao trong nông nghiệp thực hiện theo quy định về hợp tác đầu tư với nước
ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ;
- Tổ chức và quản lý các hoạt động nghiên
cứu và phát triển các sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao theo quy định của
pháp luật.
l) Quản lý nội bộ:
- Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và đào
tạo đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại đơn vị
theo quy định của pháp luật; sử dụng tài chính, tài sản được giao theo quy định
của pháp luật;
- Thực hiện cải cách thủ tục hành chính
tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chương trình, kế hoạch cải cách
thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
m) Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà
nước thanh tra, kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp trong Khu nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao Thái Nguyên trong việc thực hiện các quy định của pháp luật;
giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử
lý các hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo quy định
của pháp luật.
n) Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
Thái Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên
quan, Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý và
hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên.
o) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong
Quy chế này, các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên giao theo
quy định của pháp luật./.