Chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất rừng phòng hộ

860 lượt xem
Cho e hỏi một vấn đề đó là. Năm 2007 xã giao đất để phát triển rừng trồng keo để sản xuất, dân đi nhận mỗi người một lô, dân tự bỏ tiền phát hoang trồng cây sau khi thu hoạch thì phải nộp thuế cho ban quản lý rừng phòng hộ họ mơi cho cắt . giờ bắt đầu căt lứa thứ hai thì đc biết đất đã chuyển thành rừng đặc dụng mà dân ko hề hay biết, dân bỏ nhiều tiền vào cây keo giờ đến khi thu hoạch thì ko đc cắt ,dân rất bức xúc vì ko đc báo gì hết, phải bỏ bao nhiêu vốn liếng công sức .Đã gửi đơn đi máy nơi mà ko đc. Cho e hỏi trong trường hợp này thì phải giải quyết như thế nào để có lợi cho dân ạ. E xin chân thành cảm ơn a.
Ban biên tập
13-09-2021

1. Thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong việc chuyển mục đích sử dụng đất:

Trường hợp của bạn thuộc trường hợp đất rừng sản xuất được nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Theo đó, nhà nước không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất đã giao cho hộ gia đình, cá nhân sang đất rừng đặc dụng, trừ trường hợp, nhà nước thu hồi đất căn cứ theo Điều 16 Luật đất đai 2013, cụ thể:

Điều 16. Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất

1. Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;

c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

2. Quyền của chủ rừng:

Căn cứ Điều 108; khoản 9 Điều 2 Luật lâm nghiệp 2017, quy định:

Điều 108. Quy định chuyển tiếp

1. Chủ rừng đã được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn được giao, cho thuê; thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

9. Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trường hợp của bạn thuộc trường hợp được nhà nước giao rừng sản xuất vào năm 2007 và đến thời điểm hiện tại Luật lâm nghiệp 2017 điều chỉnh thì người dân vẫn được tiếp tục sử dụng loại rừng này cho đến hết thời hạn được giao.

Tuy nhiên, nhà nước cũng có thể thu hồi rừng nếu như người dân thuộc các trường hợp quy định tại Điều 22 Luật lâm nghiệp 2017 như sau:

Điều 22. Thu hồi rừng

1. Nhà nước thu hồi rừng trong các trường hợp sau đây:

a) Chủ rừng sử dụng rừng không đúng mục đích, cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

b) Chủ rừng không tiến hành hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau 12 tháng liên tục kể từ ngày được giao, được thuê rừng, trừ trường hợp bất khả kháng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;

c) Chủ rừng tự nguyện trả lại rừng;

d) Rừng được Nhà nước giao, cho thuê khi hết hạn mà không được gia hạn;

đ) Rừng được giao, được thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng;

e) Chủ rừng là cá nhân khi chết không có người thừa kế theo quy định của pháp luật;

g) Các trường hợp thu hồi đất có rừng khác theo quy định của Luật Đất đai.

2. Chủ rừng được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi rừng vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; giao rừng, cho thuê rừng không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng.

Vì vậy, bạn cần xem xét có rơi vào trường hợp bị thu hồi rừng hay không. Nếu có thì bạn có từng nhận được quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước hay chưa? Nếu không rơi vào trường hợp này thì bạn vẫn được tiếp tục sử dụng rừng với mục đích sản xuất.

3. Quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng:

Căn cứ Điều 8; Điều 18 Luật lâm nghiệp 2017:

Điều 8. Chủ rừng

1. Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ.

2. Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.

3. Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được giao rừng (sau đây gọi là đơn vị vũ trang).

4. Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp.

5. Hộ gia đình, cá nhân trong nước.

6. Cộng đồng dân cư.

7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất.

Điều 18. Chuyển loại rừng

1. Việc chuyển loại rừng này sang loại rừng khác phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp;

b) Đáp ứng các tiêu chí phân loại rừng;

c) Có phương án chuyển loại rừng.

2. Thẩm quyền quyết định chuyển loại rừng được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển loại rừng đối với khu rừng do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển loại rừng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này, sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương chuyển loại rừng.

Đồng thời, căn cứ tại Điều 40 Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển loại rừng quy định chủ rừng là người trực tiếp thực hiện thủ tục chuyển loại rừng.

Như vậy, việc thực hiện chuyển loại rừng phải cho người dân (hộ gia đình/cá nhân được nhà nước giao rừng sản xuất) trực tiếp thực hiện. Trường hợp nhà nước thu hồi đất đúng quy định và trình tự thủ tục thì việc chuyển từ đất rừng sản xuất sang rừng đặc dụng của nhà nước cũng phải phù hợp và đáp ứng đúng điều kiện nêu trên. Nếu không đáp ứng đúng quy định thì việc chuyển sang rừng đặc dụng của nhà nước là sai với quy định pháp luật. 

4. Nếu nhà nước tiến hành chuyển đổi đất rừng sản xuất đã giao cho người dân sai quy định thì người dân nên xử lý như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?

Đầu tiên, người dân nên gửi văn bản đến cơ quan nhà nước đã giao đất rừng sản xuất (Ủy ban nhân dân xã) hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt việc chuyển loại rừng sản xuất sang rừng đặc dụng (Thủ tướng Chính phủ/Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) để được trả lời cụ thể về việc chuyển mục đích sử dụng rừng. Đồng thời, người dân có thể xin hướng dẫn về việc khai thác, xử lý số keo đã trồng trên diện tích rừng đó, vì được biết đối với rừng phòng hộ là rừng trồng thì vẫn được khai thác, việc khai thác phải tuân theo quy định tại Khoản 3 Điều 55 Luật Lâm nghiệp 2017.  

Trường hợp, cơ quan nhà nước không có trả lời cụ thể vấn đề của người dân thì người dân có thể khiếu nại khiếu nại theo quy định tại Chương 2 Luật khiếu nại 2011 hoặc tiến hành thực hiện khởi kiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính 2015.

 

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận