Điều kiện chuyển nhượng đất rừng sản xuất

191 lượt xem
Xin hỏi: Gia đình tôi được Nhà nước giao rừng tự nhiên là rừng sản xuất! Gia đình tôi muốn chuyển nhượng đất rừng sản xuất này cho người khác có được không?
Ban biên tập
30-07-2021

Đất rừng sản xuất là đất được sử dụng để chủ yếu vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản.

Rừng sản xuất được phân loại theo 2 đối tượng:

- Rừng sản xuất là rừng tự nhiên gồm có: Rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên

- Rừng sản xuất là rừng trồng gồm có: Rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư.

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 10 của Luật Đất đai 2013, đất rừng sản xuất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Do đó, việc sử dụng đất rừng sản xuất cần tuân thủ các quy định sử dụng của loại đất này. Cụ thể, với câu hỏi hộ gia đình được Nhà nước giao rừng tự nhiên là rừng sản xuất có được chuyển nhượng rừng cho người khác không được quy định như sau:

(1) Điều kiện chung về chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Đất không có tranh chấp;

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

- Trong thời hạn sử dụng đất”

(2) Đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 191 Luật Đất đai 2013:

“Điều 191. Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất

2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

[…]

4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.”

Khoản 1 và Khoản 2 Điều 192 Luật Đất đai 2013:

“Điều 192. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu đó.

2. Hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.”

Theo đó, pháp luật đất đai quy định hộ gia đình, cá nhân không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất cho tổ chức kinh tế nếu không thuộc trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt bằng văn bản.

Trường hợp chuyển cho hộ gia đình, cá nhân thì người nhận chuyển nhượng phải đang sinh sống (có sổ hộ khẩu) trong khu vực rừng muốn chuyển nhượng đó.

(3) Mục đích sử dụng đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất

Người nhận chuyển nhượng đất rừng sản xuất cũng phải có mục đích sử dụng diện tích đất nhận chuyển nhượng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, theo quy định pháp luật đất đai, hộ gia đình, cá nhân muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất thì phải đáp ứng các điều kiện như đã nêu ở trên.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận