KẾ HOẠCH
HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA NĂM 2021 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2529/QĐ-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Giao thông vận tải ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 với mục đích cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp. Bên cạnh đó nhằm đảm bảo tính chủ động, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai và phối hợp thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đầy đủ nội dung cơ bản các quy định pháp luật hiện hành và áp dụng các văn bản pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Yêu cầu
a) Đảm bảo đúng nội dung, hình thức theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/6/2017, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải.
b) Lồng ghép, kết hợp hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và các hoạt động quản lý nhà nước khác.
c) Thông tin pháp lý đảm bảo chính xác, nhanh chóng, kịp thời và phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
d) Đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
II. HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG HỖ TRỢ PHÁP LÝ TRỌNG TÂM
1. Hỗ trợ, cung cấp thông tin và hướng dẫn thực hiện những quy định mới trong các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trong năm 2020, năm 2021 thuộc các lĩnh vực như: đường sắt, đường bộ, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa… đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải; các lĩnh vực liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản thuộc chuyên ngành quản lý của Bộ Giao thông vận tải; xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến các lĩnh vực nêu trên.
2. Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp theo Quy chế thực hiện giải đáp pháp luật ban hành kèm theo Quyết định số 1529/QĐ-BGTVT ngày 29/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các quy định khác liên quan.
3. Tiếp nhận, nghiên cứu, xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của các đơn vị
a) Các Vụ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ:
- Triển khai, cụ thể hóa các nội dung pháp lý cần hỗ trợ theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; lựa chọn hình thức phù hợp theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/6/2017, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Đối với đối tượng không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ quan, đơn vị căn cứ nguồn lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi để có thể quyết định áp dụng các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung được phân công trong Phụ lục kèm theo của Kế hoạch này và các nội dung hỗ trợ pháp lý khác theo đặc thù của cơ quan, đơn vị gửi về Bộ trước ngày 25/01/2021 để thực hiện việc kiểm tra, theo dõi.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp triển khai hỗ trợ cho doanh nghiệp những nội dung pháp lý thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị.
- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc (bao gồm cả các Trường) thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn quản lý theo đúng kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2021 của Bộ và của Tổng cục, Cục.
- Đảm bảo đầy đủ các nguồn lực để thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Tổng hợp, báo cáo Bộ (qua Vụ Pháp chế) tình hình và kết quả thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khi có yêu cầu.
b) Vụ Pháp chế
- Theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải.
- Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được giao theo Phụ lục kèm theo của Kế hoạch này.
- Tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng và Bộ Tư pháp kết quả thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Giao thông vận tải khi có yêu cầu.
d) Trung tâm Công nghệ thông tin
Duy trì chuyên mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải.
2. Kinh phí thực hiện: Kinh phí thực hiện Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải do ngân sách nhà nước cấp, các nguồn kinh phí khác theo quy định pháp luật.