Thông tư 04/2014/TT-BCT Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài
04/2014/TT-BCT
Thông tư
Hết hiệu lực
27-01-2014
28-02-2014
20-02-2014
Bộ Công thương Số: 04/2014/TT-BCT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2014 |
Thông tư
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 187/2013/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI VỀ HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐẠI LÝ MUA, BÁN, GIA CÔNG VÀ QUÁ CẢNH HÀNG HÓA VỚI NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 41/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về cấp phép nhập khẩu hàng hóa;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và quá cảnh hàng hóa.
2. Thông tư này áp dụng đối với thương nhân Việt Nam; các tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại quy định tại Luật Thương mại.
1. Thương nhân không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân) bao gồm:
a) Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư;
b) Hộ kinh doanh cá thể được thành lập, đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, được xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, đại lý mua, bán hàng hóa theo quy định của pháp luật và trong phạm vi Nghị định số 187/2013/NĐ-CP không phụ thuộc vào ngành hàng, ngành nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, gia công hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các văn bản hướng dẫn thi hành các Nghị định này, lộ trình thực hiện do Bộ Công Thương công bố và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
QUẢN LÝ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HÓA
Điều 3. Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu
1. Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thực hiện theo công bố của các Bộ, cơ quan ngang Bộ hướng dẫn Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
2. Bộ Công Thương ban hành Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng cấm nhập khẩu tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
3. Trường hợp nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học, viện trợ nhân đạo theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP; hồ sơ, thủ tục thực hiện như sau:
a) Đối với hàng hóa nhập khẩu để nghiên cứu khoa học: Tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học, thương nhân có nhu cầu nhập khẩu để nghiên cứu phát triển sản phẩm (sau đây gọi chung là tổ chức) gửi 1 (một) bộ hồ sơ qua đường bưu điện đến Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu), địa chỉ: Số 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hồ sơ gồm:
- Quyết định thành lập, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 (một) bản sao, có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của tổ chức.
- Văn bản đề nghị nhập khẩu của tổ chức kê khai cụ thể tên hàng, mã số HS, số lượng, mục đích sử dụng từng mặt hàng và xác nhận, cam đoan tính xác thực của các nội dung này: 1 (một) bản chính.
- Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép đã được cấp trước đó (trừ trường hợp nhập khẩu lần đầu): 1 (một) bản chính.
Trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương cấp phép nhập khẩu cho tổ chức. Trường hợp không cấp phép nhập khẩu, Bộ Công Thương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
b) Đối với hàng hóa viện trợ nhân đạo: Bộ Công Thương xem xét, giải quyết trên cơ sở văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền kê khai cụ thể tên hàng, mã số HS, số lượng, mục đích sử dụng từng mặt hàng, cam kết tính xác thực của các nội dung này.
Trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương có văn bản trả lời. Trường hợp từ chối, Bộ Công Thương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
1. Bộ Công Thương ban hành Danh mục các mặt hàng có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
2. Thương nhân nhập khẩu các mặt hàng thuộc Danh mục quy định tại Khoản 1 Điều này gửi hồ sơ đề nghị qua đường bưu điện đến Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu), hồ sơ gồm:
a) Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 (một) bản sao, có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.
b) Văn bản đề nghị nhập khẩu của thương nhân nêu rõ tên hàng, mã số HS, số lượng, trị giá của từng mặt hàng: 1 (một) bản chính.
c) Văn bản chấp thuận của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng về việc nhập khẩu lô hàng: 1 (một) bản chính.
Trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Bộ Công Thương cấp phép nhập khẩu cho thương nhân. Trường hợp không cấp phép nhập khẩu, Bộ Công Thương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
3. Đối với trường hợp nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục quy định tại Khoản 1 Điều này để phục vụ cho mục đích an ninh, quốc phòng, việc nhập khẩu thực hiện theo quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
1. Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan
STT Mô tả hàng hoá Mã số HS
1 Muối 2501
2 Thuốc lá nguyên liệu 2401
3 Trứng gia cầm 0407 (*)
4 Đường tinh luyện, đường thô 1701
(*) Ghi chú: Trứng gia cầm áp dụng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan không bao gồm trứng đã thụ tinh để ấp thuộc các mã HS: 04071100, 04071910, 04071990.
2. Quyết định và công bố lượng hạn ngạch thuế quan
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định lượng hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng muối, trứng gia cầm và đường tinh luyện, đường thô.
b) Bộ Công Thương quyết định lượng hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng thuốc lá nguyên liệu.
c) Trên cơ sở cam kết quốc tế liên quan, lượng hạn ngạch thuế quan đã được quyết định hàng năm và cung cầu trong nước, Bộ Công Thương công bố chính thức lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm đối với những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan và quy định phương thức điều hành nhập khẩu đối với từng mặt hàng sau khi tham khảo ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan.
3. Nguyên tắc chế độ hạn ngạch thuế quan
a) Áp dụng giấy phép nhập khẩu để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan nêu trên.
b) Các mặt hàng thuộc danh mục áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu không có giấy phép của Bộ Công Thương được áp dụng mức thuế ngoài hạn ngạch thuế quan. Riêng thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan để sản xuất thuốc lá điếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
c) Số lượng, khối lượng, trị giá các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu không tính vào lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm do Bộ Công Thương công bố.
4. Đối tượng cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan Bộ Công Thương cấp giấy phép nhập khẩu cho thương nhân đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hạn ngạch thuế quan, cụ thể như sau:
a) Muối: Thương nhân có nhu cầu sử dụng muối trong sản xuất theo xác nhận của cơ quan quản lý chuyên ngành.
b) Thuốc lá nguyên liệu: Thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công Thương cấp và có nhu cầu sử dụng cho sản xuất thuốc lá điếu một tỷ lệ nhất định thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu do Bộ Công Thương xác nhận.
Tổng công ty ngành hàng là đầu mối nhận hạn ngạch cho các công ty thành viên.
c) Trứng gia cầm: Thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu.
d) Đường tinh luyện, đường thô: Thực hiện theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Công Thương sau khi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan.
5. Thủ tục cấp phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan
a) Bộ Công Thương xem xét cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan căn cứ lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm do Bộ quản lý chuyên ngành quyết định, tình hình thực hiện nhập khẩu năm trước và đăng ký của thương nhân.
Thương nhân có nhu cầu đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu gửi hồ sơ đề nghị về Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu). Hồ sơ gồm:
- Đơn đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này).
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp): 1 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân theo quy định.
b) Thời điểm xem xét phân giao lượng hạn ngạch thuế quan cho thương nhân do Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan thống nhất.
Thời gian giải quyết việc cấp phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan cho thương nhân là trong vòng 10 (mười) ngày làm việc, tính từ thời điểm phân giao đã được các Bộ, ngành thống nhất nêu trên.
Trường hợp từ chối cấp phép, Bộ Công Thương trả lời thương nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.
c) Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hoặc văn bản trả lời của Bộ Công Thương được gửi cho thương nhân qua đường bưu điện theo địa chỉ ghi trên Đơn đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu của thương nhân.
d) Thương nhân xuất trình giấy phép nhập khẩu hàng hóa theo hạn ngạch thuế quan của Bộ Công Thương với Chi cục Hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục nhập khẩu. Lượng hàng hóa nhập khẩu trong giấy phép được hưởng mức thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan.
đ) Thương nhân có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nhập khẩu theo yêu cầu của Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
Trước ngày 30 tháng 9 hàng năm, thương nhân có báo cáo (thay cho báo cáo quý III) gửi Bộ Công Thương đánh giá khả năng nhập khẩu cả năm đó, đề nghị điều chỉnh tăng, giảm hạn ngạch nhập khẩu được cấp hoặc báo cáo số lượng hàng hóa không có khả năng nhập khẩu để phân giao cho thương nhân khác.
1. Ô tô các loại đã qua sử dụng (bao gồm ô tô chở người, ô tô chở hàng hoá, ô tô vừa chở người vừa chở hàng, ô tô chuyên dùng) được nhập khẩu phải bảo đảm điều kiện sau: loại đã qua sử dụng không quá 5 (năm) năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu (ví dụ: năm 2014 chỉ được nhập khẩu ô tô loại sản xuất từ năm 2009 trở lại đây). Các quy định khác có liên quan thực hiện theo hướng dẫn của các Bộ quản lý chuyên ngành.
Riêng nhập khẩu loại xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi thực hiện theo Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2006 của Liên Bộ Thương mại-Bộ Giao thông Vận tải-Bộ Tài chính-Bộ Công an về việc hướng dẫn nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng và Thông tư số 19/2009/TT-BCT ngày 07 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2006 của Liên Bộ Thương mại-Bộ Giao thông Vận tải-Bộ Tài chính-Bộ Công an.
2. Cấm nhập khẩu phương tiện vận tải tay lái bên phải (tay lái nghịch), kể cả dạng tháo rời và dạng đã được chuyển đổi tay lái trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, trừ các loại phương tiện chuyên dùng có tay lái bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp gồm: xe cần cẩu; máy đào kênh rãnh; xe quét đường, tưới đường; xe chở rác và chất thải sinh hoạt; xe thi công mặt đường; xe chở khách trong sân bay và xe nâng hàng trong kho, cảng; xe bơm bê tông; xe chỉ di chuyển trong sân golf, công viên.
3. Cấm nhập khẩu ô tô các loại và bộ linh kiện lắp ráp ô tô đã thay đổi kết cấu, chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu hoặc bị đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ trong mọi trường hợp và dưới mọi hình thức.
4. Cấm tháo rời ô tô khi vận chuyển và khi nhập khẩu.
5. Cấm nhập khẩu ô tô cứu thương đã qua sử dụng.
Việc nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất các chất suy giảm tầng ô-dôn thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập-tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
1. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà để tiêu thụ ở thị trường trong nước thực hiện theo quy định tại Thông tư số 37/2013/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà.
2. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà để bán trong cửa hàng miễn thuế thực hiện theo Thông tư số 02/2010/TT-BCT ngày 14 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc nhập khẩu thuốc lá phục vụ kinh doanh bán hàng miễn thuế và Thông tư số 10/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu theo Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.
GIA CÔNG VÀ QUÁ CẢNH HÀNG HÓA
Điều 9. Gia công hàng hóa có yếu tố nước ngoài
Hoạt động gia công hàng hóa có yếu tố nước ngoài thực hiện theo quy định tại Chương VI Nghị định số 187/2013/NĐ-CP và hướng dẫn cụ thể sau:
1. Đối với hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép khảo nghiệm và hàng hóa nhập khẩu theo hình thức chỉ định thương nhân nhập khẩu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành quy định tại Phụ lục II Nghị định số 187/2013/NĐ-CP, không được thực hiện gia công xuất khẩu cho nước ngoài.
2. Đối với hàng hóa thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành, chỉ các thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định chuyên ngành về sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó mới được gia công xuất khẩu cho nước ngoài.
3. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài sau khi được Bộ Công Thương cấp phép.
Thương nhân gửi văn bản đề nghị cấp phép gia công hàng hóa, trong đó, nêu cụ thể các nội dung quy định tại Điều 29 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP và có ý kiến xác nhận của Bộ quản lý chuyên ngành qua đường bưu điện đến Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu).
Bộ Công Thương xem xét, cấp phép trong vòng 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của thương nhân và ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành. Trường hợp không cấp phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời thương nhân và nêu rõ lý do.
Giấy phép hoặc văn bản trả lời của Bộ Công Thương được gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ ghi trên văn bản đề nghị của thương nhân.
1. Việc quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định tại Chương VII Nghị định số 187/2013/NĐ-CP.
2. Việc quá cảnh hàng hóa của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia thực hiện theo các văn bản sau:
a) Quyết định số 0305/2001/QĐ-BTM ngày 26 tháng 3 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ban hành Quy chế về hàng hóa của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quá cảnh lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
b) Thông tư số 22/2009/TT-BCT ngày 04 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quá cảnh hàng hóa của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào qua lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
c) Thông tư số 08/2009/TT-BCT ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quá cảnh hàng hóa của Vương quốc Campuchia qua lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp
Các loại giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu hàng hóa được cấp trước khi Nghị định số 187/2013/NĐ-CP và Thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục thực hiện theo thời hạn hiệu lực ghi trong giấy phép hoặc gia hạn giấy phép đó của cơ quan có thẩm quyền.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2014 và bãi bỏ các văn bản sau đây:
a) Thông tư số 04/2006/TT-BTM ngày 06 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thương mại hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
b) Khoản 1, Khoản 2 Điều 1 và Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu theo Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu phát sinh vướng mắc, các cơ quan, tổ chức có liên quan và thương nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Công Thương để xử lý.