Công điện 24/CĐ-TTg Về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
24/CĐ-TTg
Công điện
Còn hiệu lực
22-03-2024
22-03-2024
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/CĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2024 |
CÔNG ĐIỆN
VỀ VIỆC ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ PHÂN BỔ VÀ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2024
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ điện:
|
- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương; |
Trong những tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng. Đến hết tháng 02 năm 2024 đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đạt 94,9% kế hoạch; giải ngân ước đạt 9,13% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,97%). Tuy nhiên, số vốn chưa phân bổ chi tiết còn khá lớn (khoảng 33 nghìn tỷ đồng) của 21 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương; có 40 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân 02 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước, trong đó 29 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch năm 2024 (tỷ lệ giải ngân 0%).
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được Trung ương, Quốc hội giao.
Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt kết quả cao nhất (trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội; xác định giải ngân đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần phải tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; các Nghị quyết Phiên họp thường kỳ của Chính phủ; các ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2023 về giao kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2024; văn bản số 380/VPCP-KTTH ngày 17 tháng 01 năm 2024 về phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung năm 2024 và các văn bản có liên quan.
2. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:
a) Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ; việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng các quy định pháp luật về đầu tư công. Khẩn trương đề xuất phương án xử lý đối với vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2024 còn lại chưa phân bổ chi tiết, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cập nhật trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo đúng Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ.
b) Tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để quyết liệt đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đây nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các dự án liên vùng, có tác động lan tỏa,.... Việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
c) Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên... Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án; coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tập thể, cá nhân liên quan.
d) Quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng.
đ) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan căn cứ chỉ đạo tại điểm 5 Mục II Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2024 khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2024 cho ý kiến trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2024 về việc kéo dài thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng chỉ đạo tại điểm a mục 3 Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ hằng tháng để ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả giải ngân hằng tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt, phê bình các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.
d) Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công để xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy phân bổ, giải ngân các dự án đầu tư công và bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.
4. Bộ Tài chính
a) Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán; chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ; khẩn trương rà soát và phê duyệt vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hằng năm trên Tabmis theo đúng quy định.
b) Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc rà soát, tổng hợp giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024; bảo đảm đúng thời gian theo Quy chế làm việc của Chính phủ.
5. Các Bộ, cơ quan chủ chương trình mục tiêu quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc) rà soát các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình phân bổ, giải ngân vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan liên quan xử lý theo quy định kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các nội dung vượt thẩm quyền.
6. Các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ được thành lập theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 và các đoàn công tác của Thành viên Chính phủ theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2023 tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ động tăng cường thực hiện kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
7. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
|
THỦ TƯỚNG |