Xử lý đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý theo quy định như thế nào?

271 lượt xem
Công ty TNHH nệm A có ký hợp đồng đại lý với Hộ kinh doanh B thời hạn là 5 năm. Tuy nhiên hợp đồng đại lý được thực hiện hết 2 năm thì bên công ty nệm A mở thêm 1 đại lý có địa điểm kinh doanh cách cửa hàng B 500m, khoảng 3 tháng kể từ ngày đại lý mới khai trương, doanh số bán hàng và doanh thu của B giảm sút gần 50% nên B đề nghị được chấm dứt hợp đồng đại lý trước thời hạn. Hộ kinh doanh B cũng đồng thời yêu cầu công ty nệm A trả cho B một khoản tiền vì B cho rằng A có lỗi (mở thêm đại lý mới gần nơi B kinh doanh) và B đã có đóng góp cho công ty A bằng việc xây dựng cho A một danh sách khách hàng truyền thống trong 2 năm qua. Cho tôi hỏi A mở thêm đại lý mới có lỗi hay không? B có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng này không? A có phải trả cho B khoản tiền nào không nếu Hợp đồng chấm dứt?
Ban biên tập
24-11-2021

Căn cứ Điều 166 Luật thương mại 2005 quy định: 

Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao”.

Căn cứ Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

- Hợp đồng bị huỷ bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;

Căn cứ Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng

1.    Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

….

3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.

4. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.

5. Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.

Căn cứ khoản 2 Điều 169; khoản 7 Điều 175 Luật Thương mại 2005, quy định:

“Điều 169. Các hình thức đại lý

2. Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.”

“Điều 175. Nghĩa vụ của bên đại lý

7. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.”

Căn cứ Điều 177 Luật Thương mại 2005 quy định thời hạn đại lý:

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.

- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó.

Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.

Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.

Như vậy, chia ra 02 trường hợp:

-  Nếu hợp đồng giữa công ty A và hộ kinh doanh B là hợp đồng đại lý độc quyền và trong hợp đồng có nêu rõ Điều khoản chỉ được giao kết với một bên đại lý duy nhất thì công ty A là bên đã vi phạm hợp đồng với hành vi giao kết với bên thứ 3 (là đại lý khác). Theo đó, hộ kinh doanh B có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, đồng thời B có quyền yêu cầu A bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm căn cứ theo Điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng và có quyền yêu cầu A thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện. Tuy nhiên, xét trường hợp này, nếu bên A trực tiếp mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc bán hàng hóa cho nhà phân phối, nhà bán lẻ khác, không phải là đại lý thì trường hợp này bên A không vi phạm về hợp đồng đại lý độc quyền.

-  Nếu đây chỉ là hợp đồng đại lý bình thường thì hộ kinh doanh B có quyền yêu cầu chấm dứt hợp đồng, tuy nhiên không có quyền yêu cầu công ty A bồi thường. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày bên B thông báo bằng văn bản cho bên A về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.

 

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận