Trường hợp nào người lao động được hưởng chế độ thai sản? Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sinh con bao gồm những giấy tờ gì?
273 lượt xem
Chị Thái Thị Kim H đóng bảo
hiểm xã hội từ tháng 3/2019. Đến tháng 7/2020, chị H xin nghỉ việc và được Công
ty TNHH T.K đồng ý. Chị H đang mang thai và dự kiến sinh con vào tháng 1/2021.
Các tháng 4, 5, 6/2020,
Công ty TNHH T.K tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội và cho nhân viên nghỉ không
lương do dịch Covid-19.
Ngày 01/10/2020, chị H đến
cơ quan bảo hiểm xã hội huyện Đ.G, tỉnh Q.N để hỏi về chế độ thai sản khi Chị
sinh con và được chuyên viên cơ quan này trả lời là Chị không đủ điều kiện để
hưởng chế độ thai sản.
1. Trường hợp của chị H có
được hưởng chế độ thai sản không?
2. Chị H có thể tự mình nộp
hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sinh con hay không?
3. Hồ sơ hưởng chế độ thai
sản khi sinh con đối với trường hợp của chị H gồm những giấy tờ gì?
Ban biên tập
19-01-2021
1. Việc chị H có được hưởng chế độ thai sản hay không được xem xét như sau:
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Trường hợp công ty thuộc đối tượng tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; ngày 17/3/2020 BHXH Việt Nam có Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền quy định của pháp luật.
Theo đó, đối tượng được tạm dừng là các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1, Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 năm 2014, các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, doanh nghiệp vẫn phải đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ BHYT và BHTN để bảo đảm quyền lợi đối với người lao động.
Nếu công ty của bà làm việc thuộc đối tượng được tạm dừng đóng BHXH theo quy định nêu trên thì bà vẫn được bảo đảm quyền lợi về đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Trường hợp công ty không thuộc đối tượng tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất
Theo quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”.
Trường hợp của bà công ty cho bà nghỉ việc do dịch bệnh Covid-19, nếu công ty vẫn trả lương ngừng việc cho những ngày nghỉ thì vẫn phải đóng BHXH như bình thường, vì những ngày nghỉ này người lao động có hưởng lương ở công ty (chỉ là có thể ở mức thấp hơn). Nếu công ty thỏa thuận với người lao động những ngày nghỉ này là ngày nghỉ không hưởng lương, số ngày nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên thì tháng đó người sử dụng lao động và người lao động không phải đóng BHXH.
Trường hợp cụ thể đối với bà, nếu sinh con vào tháng 1/2021 và công ty đóng BHXH cho bà trở lại vào tháng 7/2020 đến tháng 12/2020 thì trong thời gian 12 tháng trước khi sinh (từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020) bà có ít nhất 9 tháng đóng BHXH (từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2020 và từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2020), bà đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
2. Chị H không thể tự mình nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong thời hạn 45 ngày trở lại làm việc, người lao động là chị H có trách nhiệm nộp hồ sơ (được nêu cụ thể ở câu hỏi dưới) cho ngưởi sử dụng lao động là Công ty TNHH T.K.
Tiếp đến, theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hưởng chế độ thai sản từ chị H, Công ty TNHH T.K có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ thai sản tại Điều 101 Luật này và phải lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho chị H, sau đó nộp toàn bộ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội để chị H được cơ quan này giải quyết chế độ thai sản.
Nếu Công ty TNHH T.K không lập và nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho chị H thì Công ty đã vi phạm trách nhiệm của người sử dụng lao động tại khoản 2 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, do đó, căn cứ quy định tại điểm b khoản 4 Điều 40 Nghị định 28/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Công ty TNHH T.K sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
3. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với trường hợp của chị H gồm những giấy tờ sau:
Theo quy định tại khoản 1, khoản 5 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:
+ Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
+ Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
+ Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
+ Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
+ Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai (đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
+ Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập (cụ thể là Công ty TNHH T.K lập).
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.