Trường hợp doanh nghiệp nợ thuế do chưa được Ngân sách nhà nước thanh toán khi cung ứng hàng hóa, dịch vụ có bị tính tiền chậm nộp thuế không?

399 lượt xem
Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn Ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng chưa được NSNN thanh toán. Do đó, người nộp thuế không nộp thuế đúng thời hạn dẫn đến nợ thuế thì có bị tính tiền chậm nộp thuế không?
Ban biên tập
08-04-2020

1. Về đôn đốc nộp Ngân sách nhà nước (NSNN) khi người nộp thuế (NNT) được NSNN thanh toán và thời gian không tính tiền chậm nộp

- Khoản 1 Điều 106 Luật Quản lý thuế số 78/QH11/2006 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 5 Luật số 71/2014/QH13 quy định:

“Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ nhưng không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chưa thanh toán phát sinh trong thời gian ngân sách nhà nước chưa thanh toán.”

- Tại Khoản 7 Điều 5 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế quy định:

“Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không nộp thuế đúng thời hạn dẫn đến nợ thuế thì không thực hiện cưỡng chế thuế và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ nhưng không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chưa thanh toán phát sinh trong thời gian ngân sách nhà nước chưa thanh toán".

- Điểm a, b Khoản 2 Điều 34 Thông tư 156/2013/TT- BTC ngày 06/11/2013 (được bổ sung tại Khoản 10 Điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015) của Bộ Tài chính quy định:

"a) Không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế còn nợ, số tiền thuế nợ này không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chưa thanh toán cho người nộp thuế.”

“b) Thời gian không tính chậm nộp tiền thuế được tính từ ngày người nộp thuế phải nộp thuế đến ngày đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước thanh toán cho người nộp thuế và không vượt quá thời gian ngân sách nhà nước chưa thanh toán cho người nộp thuế”.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN nhưng chưa được NSNN thanh toán mà số tiền NSNN chưa thanh toán lớn hơn số thuế người nộp thuế còn nợ thì người nộp thuế thuộc trường hợp không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế nợ và cơ quan thuế không thực hiện cưỡng chế thuế đối với số tiền thuế còn nợ không vượt qua số tiền NSNN chưa thanh toán. Thời gian không tính tiền chậm nộp tiền thuế được tính từ ngày người nộp thuế phải nộp thuế đến ngày đơn vị sử dụng vốn NSNN thanh toán cho người nộp thuế.

2. Về không tính tiền chậm nộp đối với khoản lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách nhà nước

- Điều 1 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính quy định:

"Thông tư này áp dụng đối với việc quản lý các loại thuế theo quy định của pháp luật về thuế; các khoản phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí; các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế nội địa quán lý thu (sau đây gọi chung là thuế).”

Căn cứ các quy định tại Khoản 7 Điều 5 Nghị định số 12/2015/NĐ-CPĐiều 1 Thông tư 156/2013/TT-BTC (nêu trên) thì khoản lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp NSNN là một khoản thu khác thuộc NSNN, trường hợp doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không nộp thuế đúng thời hạn dẫn đến nợ thuế (bao gồm cả lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ) thì không thực hiện cưỡng chế thuế và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ nhưng không vượt quá số tiền NSNN chưa thanh toán. 

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận