Trường hợp bắt buộc hộ kinh doanh phải đăng ký doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ

276 lượt xem
Hộ kinh doanh bắt buộc phải chuyển sang hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp trong trường hợp nào? Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh như thế nào?

Ban biên tập
16-07-2020

Ở nước ta, hộ kinh doanh là loại hình chủ thể kinh doanh có số lượng đông đảo nhất (khoảng trên 5 triệu hộ). Hiện nay, nhằm thúc đẩy khả năng tăng trưởng thông qua việc thay đổi quy mô và hình thức kinh doanh, Nhà nước đang có hàng loạt cơ chế và chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Theo pháp luật hiện hành, hình thức kinh doanh của hộ kinh doanh bị giới hạn bởi số lượng lao động và địa điểm kinh doanh, cụ thể: 

Thứ nhất, về số lượng người lao động: hộ kinh doanh chỉ được sử dụng thường xuyên dưới 10 người lao động. Nếu hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.[1]

Thứ hai, về địa điểm kinh doanh: hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ, đó là đối với hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động thì phải chọn một địa điểm cố định để đăng ký hộ kinh doanh. Địa điểm này có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi đăng ký tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất, nơi đặt địa điểm thu mua giao dịch. Hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động được phép kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh. Như vậy, về nguyên tắc, nếu hộ kinh doanh mở thêm địa điểm kinh doanh ngoài nơi đăng ký kinh doanh thì phải chuyển sang kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp.[2]

Theo Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

(i) Trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật.

(ii) Hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Nội dung hỗ trợ bao gồm:

(i) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp;

(ii) Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

(iii) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

(iv) Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

(v) Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán của hộ kinh doanh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật. Hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động kể từ thời điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.


[1] Khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp năm 2014, khoản 1 Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ về việc đăng ký doanh nghiệp.

[2] Khoản 1 Điều 66, Điều 72 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ về việc đăng ký doanh nghiệp.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận