Khi mua món nợ là quyền sử dụng đất đã thế chấp thì theo quy định, việc xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp được giải quyết như thế nào?

336 lượt xem
Tôi đang làm việc tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi là Công ty Quản lý tài sản). Tôi muốn hỏi, trong trường hợp Công ty Quản lý tài sản mua khoản nợ là quyền sử dụng đất đã thế chấp thì theo quy định pháp luật đất đai, việc xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp được giải quyết như thế nào? Đây là khoản nợ xấu, vậy khi xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp có nhất thiết phải được sự đồng ý của bên thế chấp hay không?

 

Ban biên tập
01-09-2020

- Theo quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 12 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 05 năm 2013 của Chính Phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản được thực hiện các hoạt động mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm. Theo khoản 1 Điều 7 Văn bản hợp nhất 06/VBHN-NHNN ngày 03 tháng 02 năm 2020 hợp nhất Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành: “Trong hoạt động mua, bán nợ giữa Công ty Quản lý tài sản và tổ chức tín dụng, toàn bộ các quyền và lợi ích gắn liền với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm và biện pháp bảo đảm khác cho khoản nợ xấu được bên bán nợ giữ nguyên hiện trạng và chuyển giao cho bên mua nợ theo hợp đồng mua, bán nợ”.

Xin được mở rộng thêm thông tin rằng, ngoài Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập, được phép kinh doanh dịch vụ mua bán nợ trên thị trường còn có các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (là doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, bao gồm cả Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại) được thành lập theo quy định của Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính Phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

- Liên quan đến câu hỏi của bạn, trong lĩnh vực pháp luật đất đai, điểm c khoản 2 Điều 81 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai (được bổ sung bởi Khoản 53 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai) quy định như sau:

“Trường hợp tổ chức được phép mua bán nợ theo quy định của pháp luật mua khoản nợ là quyền sử dụng đất đã thế chấp, quyền sử dụng đất đã bảo lãnh theo quy định của Luật đất đai năm 2003 của bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh thì tổ chức đó được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh đã giao kết trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh. Tổ chức mua bán nợ được quyền xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp, đã bảo lãnh theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh đã ký.

Trường hợp không xử lý được theo thỏa thuận thì tổ chức mua bán nợ của Nhà nước thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; tổ chức mua bán nợ không phải của Nhà nước được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thế chấp, đã được bảo lãnh cho người khác hoặc đề nghị tổ chức bán đấu giá thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp, bên bảo lãnh hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật”.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận