Thử việc có được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp? Đóng hộ BHXH, BHTN có vi phạm pháp luật không? Đóng bị gián đoạn (không liên tục) có ảnh hưởng đến việc hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp?
209 lượt xem
Bà Lê Thị Thảo ký hợp đồng lao động 12 tháng với Công ty TNHH T.P. Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày 01/4/2019 đến 31/3/2020. Ngày 25/01/2020, bà Thảo nghỉ việc tại Công ty T.P do Công ty này cắt giảm nhân sự vì dịch bệnh. Trong quá trình làm việc, bà Thảo được Công ty T.P đóng bảo hiểm xã hội 10 tháng, từ tháng 4/2019 đến tháng 01/2020.
Sau đó, bà Thảo chuyển sang làm việc tại Công ty TNHH V.T. Trước khi ký hợp đồng lao động 36 tháng, bà Thảo và Công ty V.T ký hợp đồng thử việc có thời hạn 02 tháng (60 ngày) tính từ ngày 01/5/2020.
Vì mong muốn quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không bị gián đoạn, bà Thảo đã nhờ Công ty TNHH T.P. đóng hộ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp các tháng 2/2020, 3/2020, 4/2020. Bà Thảo sẽ tự đóng 100% các khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
1. Hành vi của bà Thảo nhờ Công ty TNHH T.P đóng hộ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp các tháng 2/2020, 3/2020, 4/2020 có bị xem là hành vi vi phạm pháp luật?
2. Hành vi của bà Thảo nhờ Công ty TNHH T.P. đóng hộ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có thể bị xử phạt hành chính như thế nào?
3. Bà Thảo có bị mất quyền được hưởng trợ cấp thất nghiệp do đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị gián đoạn (không liên tục) hay không?
Ban biên tập
15-01-2021
1. Hành vi của bà Thảo nhờ Công ty TNHH T.P đóng hộ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp các tháng 2/2020, 3/2020, 4/2020 là hành vi vi phạm pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
“Điều 2: Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về luật lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng”.
Bà Thảo nghỉ việc từ ngày 25/01/2020. Như vậy, các tháng 2/2020, 3/2020, 4/2020 và thời gian sau đó, giữa bà Thảo và Công ty TNHH T.P. không tồn tại hợp đồng lao động. Các tháng này, bà Thảo không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp. Chính vì vậy, hành vi của bà Thảo nhờ Công ty TNHH T.P đóng hộ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp các tháng 2/2020, 3/2020, 4/2020 là hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi cá nhân.
2. Hành vi của bà Thảo nhờ Công ty TNHH T.P đóng hộ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể như sau:
Theo khoản 1 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bà Thảo sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động (Công ty T.P.) để tham gia bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm thất nghiệp không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.
3. Bà Thảo không bị mất quyền được hưởng trợ cấp thất nghiệp do đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị gián đoạn (không liên tục).
Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:
Thứ nhất, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Thứ hai, đã đóng BHTN từ đủ:
- 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: Hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn
- 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: Ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Thứ ba, đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
Thứ tư, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Chết.
Khi bà Thảo đủ các điều kiện nói trên thì sẽ được quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp, không phụ thuộc vào quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị gián đoạn hay không bị gián đoạn.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.