Thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn
191 lượt xem
Doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành công ty trách
nhiệm hữu hạn theo thủ tục như thế nào?
Ban biên tập
28-09-2020
Theo khoản 2 Điều 199 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 199 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Doanh nghiệp có thể đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đồng thời đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khác, trừ trường hợp đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật.[1]
Hồ sơ đăng ký chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
(i) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
(ii) Điều lệ công ty chuyển đổi theo quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp năm 2014;
(iii) Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế, thời hạn thanh toán; danh sách người lao động hiện có; danh sách các hợp đồng chưa thanh lý;
(iv) Danh sách thành viên theo quy định tại Điều 26 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của các thành viên công ty đối với trường hợp thành viên là cá nhân; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác đối với trường hợp thành viên công ty là tổ chức;
(v) Văn bản cam kết của chủ doanh nghiệp tư nhân về việc chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
(vi) Văn bản thỏa thuận với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó;
(viii) Văn bản cam kết của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp tư nhân và các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều này, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Doanh nghiệp năm 2014; đồng thời cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.[2]
Việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp trong trường hợp nhận thừa kế được thực hiện như quy định đối với trường hợp chuyển đổi loại hình tương ứng, trong đó, hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng được thay bằng văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp.[3]
[1] Khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/08/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
[3] Khoản 5 Điều 25 của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ Về việc đăng ký doanh nghiệp (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/08/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.