Khái niệm về chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

233 lượt xem
Ban biên tập
28-09-2020

Theo pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, có 04 loại hình doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Khi đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp phải lựa chọn và đăng ký một loại hình doanh nghiệp nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể chuyển đổi sang một loại hình doanh nghiệp khác phù hợp hơn.

Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là một hình thức của hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là việc doanh nghiệp chuyển từ loại hình doanh nghiệp này sang hình thức doanh nghiệp khác để phù hợp hơn với khả năng và nhu cầu đầu tư của (các) nhà đầu tư vào doanh nghiệp, giúp đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của (các) nhà đầu tư trong những trường hợp cụ thể.[1]Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ được phép chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo các trường hợp mà Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phép. Cụ thể, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, các doanh nghiệp được chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo các trường hợp sau:

Thứ nhất, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần;

Thứ hai, chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

Thứ ba, chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

Thứ tư, chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn.

Như vậy, công ty hợp danh không được phép chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

 


[1] Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2016), Giáo trình pháp luật về chủ thể kinh doanh, Bùi Xuân Hải (Chủ biên), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr. 329.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận