Thời hạn góp vốn thành lập công ty của thành viên công ty tTNHH 2TV trở lên

247 lượt xem
Thời hạn góp vốn thành lập công ty của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được quy định như thế nào?
Ban biên tập
20-07-2020

Khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên, thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.[1] Mục đích Luật quy định thời hạn góp vốn khi thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên nhằm buộc các thành viên phải xem xét cẩn trọng và có trách nhiệm hơn với cam kết góp vốn của mình.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp trước đây, việc góp vốn được thực hiện nhiều hơn một lần, thời hạn góp vốn lần cuối của mỗi thành viên không vượt quá 36 tháng, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.[2] Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã rút ngắn thời gian góp vốn xuống chỉ còn 90 ngày. Việc rút ngắn thời gian góp vốn xuống sẽ tránh được “trường hợp thành viên cam kết mà không thực hiện việc góp vốn, tạo ra số vốn ảo cho công ty. Với khoảng thời gian góp vốn ngắn như vậy, sự khác biệt giữa vốn thực góp và vốn cam kết góp cũng như những biến động về việc góp vốn trong khoảng thời gian cam kết sẽ ít có khả năng xảy ra”.[3] Mặt khác, vốn điều lệ tại thời điểm thành lập công ty có ý nghĩa là khoản vốn ban đầu phục vụ cho việc gia nhập thị trường của công ty. Nếu các thành viên không khẩn trương góp vốn thì công ty không thể có vốn để triển khai hoạt động kinh doanh của mình.

Thực trạng về thời hạn góp vốn theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 được phản ánh điển hình thông qua vụ việc sau đây: 

Công ty TNHH Nông – Công nghiệp Hà Trung được thành lập theo Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 01/01/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Vốn điều lệ 60 tỷ đồng, gồm Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh quản lý bất động sản Trung Kỳ (Công ty Trung Kỳ) 36,46 tỷ đồng, chiếm 60,77 %; Nông trường Hà Trung 16,54 tỷ đồng chiếm 27,56 %; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp (Công ty nông nghiệp) 7 tỷ đồng, chiếm 11,67 %.

Theo cam kết tại điều lệ thành lập Công ty thì việc góp vốn của các thành viên thực hiện vào thời điểm tháng 03/2010. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có vốn góp của Nông trường Hà Trung là 17.666.695.908 đồng (đây là giá trị thực tế doanh nghiệp tại Quyết định số 562/QĐ-UBND ngày 09/01/2010 của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt giá trị doanh nghiệp Nông trường Hà Trung đến thời điểm bàn giao sang công ty Hà Trung). Mặc dù Công ty Trung Kỳ và Công ty Nông Nghiệp chưa góp vốn, nhưng ngày 24/07/2010, công ty Hà Trung lại tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên đến 75 tỷ đồng (Nông trường Hà Trung 16,5 tỷ đồng chiếm 22,5 % (không ghi sổ bàn giao 17.666.695.908 đồng); Công ty Trung Kỳ 49,96 tỷ đồng chiếm 66,61 %; Công ty Nông nghiệp 8,5 tỷ đồng chiếm 11,33 %. Cũng như lần đầu tiên, chỉ có vốn của Nông trường Hà Trung, còn Công ty Trung Kỳ và Công ty Nông nghiệp vẫn chưa góp vốn theo quy định. Sau hơn 01 năm thành lập (quá thời hạn các bên cam kết góp vốn), Công ty Trung Kỳ và Công ty Nông nghiệp vẫn không thực hiện cam kết góp vốn.[4]

Với thời hạn góp vốn như quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005Nghị định 102/2010/NĐ-CP trước đây là chưa hợp lý, thậm chí còn lâu hơn thời gian tồn tại của công ty. Thời hạn góp vốn quá “thông thoáng” như vậy sẽ dẫn đến tình trạng bị các thành viên lợi dụng để kéo dài thời hạn góp vốn, làm cho vốn điều lệ công ty trở thành con số chỉ hiện hữu trên giấy tờ đăng ký doanh nghiệp mà thực chất là không có hoặc có nhưng không được bao nhiêu (vốn ảo). Với trường hợp của Công ty TNHH Nông – Công nghiệp Hà Trung ở ví dụ trên là một vụ việc thực tế điển hình cho thực trạng vốn ảo. Việc Luật Doanh nghiệp năm 2014 rút ngắn thời hạn góp vốn xuống còn 90 ngày là hợp lý, bảo đảm tính khả thi cho việc gia nhập thị trường của công ty. 


[2] Xem Điều 18 của Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.

[3] Bùi Thị Thanh Thảo (2014), Góp ý hoàn thiện các quy định về quyền định đoạt phần vốn góp của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, Tạp chí Khoa học pháp lý số 2 (81), tr.20.

[4] Báo Thanh tra (2013), Góp vốn ảo, điều hành thậthttp://thanhtra.com.vn/tin-tuc-chong-tham-nhung/dieu-tra/ky-i-gop-von-ao-dieu-hanh-that_t114c1076n62237, truy cập ngày 19/3/2020. 

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận