Thành viên không chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty TNHH 2TV trở lên thì có trở thành thành viên công ty hay không?
367 lượt xem
Trong Công văn số 212/TANDTC-PC ngày
13/09/2019 của Tòa án nhân dân tối cao “V/v thông báo kết quả giải đáp trực
tuyến một số vướng mắc trong xét xử” (Công văn số 212/TANDTC-PC) có tình huống
và hướng xét xử liên quan đến Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau:
Ông A và bà B là thành viên của Công ty
trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên thành lập năm 2016. Ông A góp vốn
bằng nhà xưởng, Công ty đã nhận nhà xưởng và sử dụng để sản xuất, kinh doanh
nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà xưởng gắn liền với quyền sử dụng
đất cho Công ty. Năm 2018, Ông A chuyển nhượng vốn góp cho bà C, nhưng không
cho bà B biết. Trường hợp bà B khởi kiện ông A thì Tòa án xác định việc góp vốn
của ông A vào Công ty đã hoàn thành chưa và bà C có là thành viên Công ty TNHH
hai thành viên không?
- Điều 36 của Luật Doanh nghiệp năm 2014
quy định:
“1. Thành viên công ty TNHH, công ty HD và
cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty
theo quy định sau đây:
a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu
hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền
sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có
thẩm quyền.
…”
Căn cứ vào quy định nêu trên thì ông A
phải có nghĩa vụ làm thủ tục sang tên nhà xưởng cho Công ty TNHH hai thành viên
ngay từ khi góp vốn. Về pháp lý, thủ tục chuyển quyền chưa được thực hiện,
nhưng trên thực tế Công ty TNHH hai thành viên đã nhận và sử dụng nhà xưởng do
ông A góp vốn từ khi thành lập (năm 2016), được xác định vào vốn Điều lệ của
Công ty, được hạch toán là giá trị của Công ty trong báo cáo tài chính hàng
năm. Do đó, trong quá trình giải quyết Toà án phải căn cứ vào quá trình hoạt
động của Công ty, các tài liệu có liên quan (báo cáo tài chính hàng năm, Giấy
chứng nhận góp vốn...) để từ đó xác định việc góp vốn của ông A đã hoàn thành.
Trong trường hợp này ông A có Giấy chứng
nhận phần vốn góp theo quy định tại Điều 48 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, có
tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với phần giá trị vốn góp tương ứng
nhà xưởng đã được định giá; có tên trong Sổ đăng ký thành viên theo quy định
tại Điều 49 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của
thành viên theo Điều 50, 51 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, nên mặc dù thủ tục
chuyển quyền sở hữu chưa được thực hiện, nhưng ông A đã là thành viên trên thực
tế của Công ty.
- Khoản 1 Điều 53 của Luật Doanh nghiệp
năm 2014 quy định:
“1.
Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52, khoản 5 và khoản 6 Điều 54 của
Luật này, thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng
một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau
đây:
a) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành
viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với
cùng điều kiện;
b) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều
kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho
người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua
hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.”
Trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp của
ông A không rơi vào các trường hợp ngoại lệ nêu trên. Như vậy, việc ông A tự ý
chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho bà C mà không chào bán phần vốn góp cho
bà B (bà B không biết) là không đúng quy định của pháp luật nên Hợp đồng chuyển
nhượng giữa ông A và bà C bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật (Điều 123 của
Bộ luật Dân sự năm 2015), do đó các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã
nhận (Điều 131 của Bộ luật Dân sự năm 2015). Theo đó, bà C phải trả lại phần
vốn góp đã nhận chuyển nhượng từ ông A; bà C không trở thành thành viên Công ty.
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, việc ông
A không chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty sẽ xử lý như thế nào?
Ban biên tập
20-07-2020
Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn là một nội dung quan trọng trong nghĩa vụ góp vốn của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên. Điều 36 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Thành viên công ty TNHH phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau:
Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.
Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn là hành vi vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính kinh tế nhằm tạo lập nền tảng vốn (vốn điều lệ) cho hoạt động kinh doanh của công ty. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền, tài sản góp vốn trở thành tài sản của công ty, thành viên sẽ chấm dứt quyền sở hữu với tài sản đó nhưng đổi lại, họ trở thành chủ sở hữu của phần vốn góp trong công ty, có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ vốn góp của mình.[1]
Theo Điều 48 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, thành viên phải góp phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn góp vốn mà thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty. Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.
Như vậy, việc ông A không chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn (nhà xưởng) sang cho Công ty theo cam kết góp vốn thì ông A đương nhiên không còn là thành viên của Công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tuy nhiên, Công văn số 212/TANDTC-PC xác định rằng: Về pháp lý, thủ tục chuyển quyền chưa được thực hiện, nhưng trên thực tế Công ty TNHH hai thành viên đã nhận và sử dụng nhà xưởng do ông A góp vốn từ khi thành lập (năm 2016), được xác định vào vốn Điều lệ của Công ty, được hạch toán là giá trị của Công ty trong báo cáo tài chính hàng năm. Do đó, trong quá trình giải quyết Tòa án phải căn cứ vào quá trình hoạt động của Công ty, các tài liệu có liên quan (báo cáo tài chính hàng năm, Giấy chứng nhận góp vốn...) để từ đó xác định việc góp vốn của ông A đã hoàn thành…
Theo chúng tôi, nếu vụ việc được đề cập trong Công văn số 212/TANDTC-PC chỉ là một vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại cụ thể thì hướng giải quyết của Hội đồng xét xử có thể “tạm” chấp nhận được nhằm cân bằng lợi ích cho công ty, thành viên và các bên liên quan. Đồng thời, phán quyết của Tòa án phải yêu cầu A thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển quyền sở hữu cho công ty.
Công văn số 212/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao chỉ có giá trị tham khảo, hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ của ngành tòa án, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, nội dung của Công văn số 212/TANDTC-PC đã trái với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Trên thực tế, Công văn số 212/TANDTC-PC có thể tạo nên những “định hướng” xét xử sai lầm cho các Tòa án các cấp trên cả nước, có thể đe dọa đến lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Chính vì vậy, để phòng tránh những tranh chấp không đáng có, tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, các thành viên cần phải tuân thủ đúng quy định về góp vốn thành lập công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[1] Khoản 21 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty TNHH.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.