Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn

346 lượt xem
Khi góp vốn vào công ty, tổ chức, cá nhân thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn như thế nào?
Ban biên tập
29-06-2020

Theo Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2014, việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn được thực hiện như sau:

Đối với các công ty:

Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty hợp danh (HD) và cổ đông công ty cổ phần (CP) phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

- Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ.

- Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản. Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.

- CP hoặc phần vốn góp bằng tài sản không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

Thanh toán mọi hoạt động mua, bán, chuyển nhượng CP và phần vốn góp và nhận cổ tức của nhà đầu tư nước ngoài đều phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn của nhà đầu tư đó mở tại ngân hàng ở Việt Nam, trừ trường hợp thanh toán bằng tài sản.

Việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn là hành vi pháp lý quan trọng trong thủ tục góp vốn thành lập công ty. Nếu hết thời hạn cam kết góp vốn, chủ sở hữu, thành viên, cổ đông không chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn thì bị coi là vi phạm nghĩa vụ góp vốn và công ty buộc phải giải quyết hậu quả của nó. Chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty có thể bị chấm dứt tư cách của mình trong công ty.[1]

Đối với doanh nghiệp tư nhân (DNTN):

Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ DNTN (còn gọi là vốn đầu tư của chủ sở hữu) không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Hay nói cách khác, vốn đầu tư của chủ sở hữu vẫn là tài sản thuộc sở hữu của chủ sở hữu DNTN. Chính vì vậy, loại hình DNTN không được “nhìn nhận” là chủ thể của quan hệ pháp luật về sở hữu tài sản. Tuy nhiên, DNTN vẫn là một loại hình doanh nghiệp thành lập hợp pháp để kinh doanh được Luật Doanh nghiệp năm 2014 và nhiều luật chuyên ngành khác quy định. Vì vậy, trong thực tiễn pháp luật hợp đồng cho thấy, DNTN vẫn là một bên của giao dịch, hợp đồng trong kinh doanh.[2]

 


[2] Xem thêm: Phan Huy Hồng - Nguyễn Thanh Tú (2017), Tư cách tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 6. 

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận