Điều kiện chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty TNHH 2TV trở lên

486 lượt xem
Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên muốn chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác thì phải thõa mãn điều kiện gì?  
Ban biên tập
20-07-2020

Quyền tự do kinh doanh là một quyền hiến định lẫn pháp định. Nhìn chung, muốn phát triển thì pháp luật mỗi quốc gia phải tạo ra một “khoảng trống” an toàn và thông thoáng để các nhà đầu tư hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả, có khả năng thu được lợi nhuận cao. Theo đó, quyền tự do kinh doanh không chỉ là quyền gia nhập thị trường, quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh… mà còn bao gồm cả quyền rút lui khỏi thị trường. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên có thể rút lui khỏi thị trường bằng nhiều cách thức khác nhau: chuyển nhượng, để thừa kế, tặng cho phần vốn góp hay sử dụng phần vốn góp để trả nợ…[1]

Công ty TNHH hai thành viên trở lên mang tính “đóng” nên việc chuyển nhượng phần vốn góp gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không hạn chế quyền chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên mà trong nội dung quyền của thành viên, Luật đã quy định rất rõ ràng thành viên được “định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ, tặng cho và cách khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty”.[2] Như vậy, quyền chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên là một hình thức thể hiện của quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư và pháp luật không cấm. Như đã đề cập trước đó, bản chất của công ty TNHH mang tính “đóng”, yếu tố nhân thân ít nhiều vẫn giữ vai trò nhất định đến sự liên kết của công ty nên việc gia nhập vào công ty của chủ thể từ bên ngoài sẽ gặp bị hạn chế bởi những thủ tục do pháp luật quy định.

Lưu ý rằng, khác với công ty HD[3] trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, khi các thành viên muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác thì không cần các thành viên còn lại đồng ý mà họ tự do chuyển nhượng nếu họ muốn. Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ đưa ra sự hạn chế về mặt thủ tục chuyển nhượng chứ không hạn chế về quyền chuyển nhượng.

Việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty cho người khác không làm thay đổi hay giảm vốn điều lệ của công ty bởi nó không làm thay đổi giá trị phần vốn góp mà chỉ làm thay đổi chủ sở hữu. Phần vốn góp dịch chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác nếu chủ thể tiếp nhận cũng đáp ứng đầy đủ những điều kiện để trở thành thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52, khoản 5 và khoản 6 Điều 54 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:

Thứ nhất, phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện.

Xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên của công ty TNHH, khi một thành viên muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình thì bắt buộc họ phải chào bán cho các thành viên còn lại. Sự ưu tiên mua phần vốn góp mà Luật Doanh nghiệp năm 2014 dành cho các thành viên của công ty là hợp lý. Bởi vì công ty TNHH hai thành viên trở lên muốn được thành lập và hoạt động đòi hỏi sự liên kết và sự thống nhất ý chí của tất cả các thành viên công ty. Và khi một người nào đó muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình thì trước tiên phải chào bán cho các thành viên hiện hữu của công ty. Ngoài ra, lý luận ban đầu về công ty TNHH cho thấy công ty mang tính “đóng”, sự gia nhập của “người ngoài” vào công ty rất khó khăn. Cho nên, quy định ưu tiên cho thành viên hiện hữu mua trước cũng là một quy định thể hiện cho tính “đóng” của công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Ngoài ra, chào bán phần vốn góp cho những thành viên còn lại còn phải trên nguyên tắc chào bán theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện. Chào bán cùng điều kiện là không có sự khác biệt về các điều kiện chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên, các thành viên còn lại ngang bằng với nhau trong cơ hội tiếp cận nguồn vốn chuyển nhượng. Quy định này đặt ra nhằm đảm bảo cho các thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên không lợi dụng việc chuyển nhượng vốn nhằm thâu tóm vốn góp để chi phối công ty. Tuy nhiên, thế nào là chào bán “cùng điều kiện” thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn chưa làm rõ. Trên thực tế, điều kiện ở đây chủ yếu là các điều kiện về thời hạn thanh toán, về giá cả…

Thứ hai, chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.

Thành viên chỉ được chào bán ra bên ngoài với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của các thành viên còn lại, tránh được tình trạng thành viên không muốn bán cho các thành viên còn lại trong công ty thì sẽ chào bán với giá rất cao để các thành viên đó không mua được, sau đó sẽ bán cho bên thứ ba mà họ muốn.

Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa tiến bộ ở chỗ là khi thành viên muốn bán cho người ngoài với giá cao hơn so với giá bán cho thành viên thì vướng quy định “cùng điều kiện”. Trong trường hợp này, Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên quy định theo hướng là chào bán cho người ngoài không thấp hơn điều kiện đã chào bán cho thành viên thì sẽ hợp lý hơn.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định thành viên chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp cho người không phải là thành viên nếu các thành viên hiện hữu của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn chưa làm rõ được thời điểm thành viên được quyền chào bán cho “người ngoài”. Thời hạn 30 ngày có đồng nghĩa với việc thành viên chào bán phải chờ hết 30 ngày rồi mới được quyền chào bán cho “người ngoài” hay không, mặc dù các thành viên hiện hữu trả lời là không mua hoặc mua không hết? Quy định của Luật không rõ ràng như vậy có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của thành viên chào bán, bởi trong kinh doanh thời cơ là một yếu tố quan trọng, nếu trường hợp thành viên chờ hết 30 ngày mới được chuyển nhượng cho “người ngoài” thì có thể cơ hội chuyển nhượng đã qua đi.

Các trường hợp ngoại lệ không cần phải chào bán cho các thành viên còn lại của công ty.

Một là, yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp (khoản 3 Điều 52 Luật Doanh nghiệp năm 2014)

Hai là, tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp (khoản 5 Điều 54 Luật Doanh nghiệp năm 2014)

Ba là, sử dụng phần vốn góp để trả nợ (khoản 6 Điều 54 Luật Doanh nghiệp năm 2014)

Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 49 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.

Trường hợp chuyển nhượng hoặc thay đổi phần vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên trong công ty, công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình công ty TNHH một thành viên và đồng thời thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng.


[3] Khoản 3 Điều 175 năm Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận