Cổ đông có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp nào?

603 lượt xem

Tháng 5/2015, Công ty cổ phần X (Công ty X) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Tuy nhiên, cuộc họp không được diễn ra vì lý do công ty không gửi thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông và các tài liệu cuộc họp trên trang thông tin điện tử của Công ty X. Cuộc họp lần thứ hai được tổ chức nhưng cũng không thỏa mãn điều kiện quy định.

Ngày 28/06/2015, Công ty X đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần ba với 164 cổ đông dự họp đại diện cho 45,5% tổng số phiếu có quyền biểu quyết của công ty. Cuộc họp đã thông qua Nghị quyết số 01/2015/NQ-ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, ngày 21/07/2015, các cổ đông của Công ty X là bà Quỳnh, ông Trung, ông Thông và ông Mạnh (nguyên đơn) đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy bỏ Nghị quyết số 01/2015/NQ-ĐHĐCĐ.

Tại phiên tòa, các nguyên đơn trình bày:

Thứ nhất, thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông không được gửi cho tất cả các cổ đông có quyền dự họp là vi phạm quy định của pháp luật doanh nghiệp.

Thứ hai, Ngân hàng Y (cổ đông của Công ty X) đã ủy quyền cho ông Đình tham dự cuộc họp Đại hội cổ đông nhưng trên giấy ủy quyền không ghi số cổ phần được ủy quyền là trái với quy định của pháp luật.

Thứ ba, Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 29/06/2015 đăng trên Website của Công ty X có sự khác biệt so với biên bản họp ngày 28/06/2015. Cụ thể, Biên bản ngày 29/06/2015 đăng trên Website của công ty đã bỏ Điều 17 về việc biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông với tỷ lệ là 51.47% tổng số biểu quyết. Ngoài ra, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 28/06/2015 đã thống nhất cử hai thư ký của cuộc họp là ông Thanh và bà Linh, nhưng biên bản cuộc họp chỉ có ông Thanh ký.

Ông Phát - người đại diện theo ủy quyền của Công ty X trình bày:

Nghị quyết số 01/2015/NQ-ĐHĐCĐ ngày 28/06/2015 của Đại hội đồng cổ đông đã được thông qua, nếu muốn hủy thì phải triệu tập lại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, còn Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty là ông Minh không có quyền hủy nghị quyết này.

Đồng tình với ý kiến của nguyên đơn, Hội đồng xét xử nhận định rằng Công ty X đã vi phạm quy định về thủ tục tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông và tuyên hủy Nghị quyết số 01/2015/NQ-ĐHĐCĐ để tiến hành lại theo quy định của pháp luật.

Cho hỏi: Các vi phạm về trình tự, thủ tục tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty X có phải là căn cứ để nhóm cổ đông yêu cầu Tòa án hủy bỏ Nghị quyết số 01/2015/NQ-ĐHĐCĐ hay không?

Ban biên tập
28-09-2020

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông khi được thông qua hợp lệ sẽ có giá trị thực thi những nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công ty, cổ đông và cả bên thứ ba. Chính vì vậy, khi Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua nhưng không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty thì có thể sẽ không có hiệu lực thực thi.

Theo quy định của Điều 147 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây:

(i) Trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (khoản 2 Điều 148 của Luật Doanh nghiệp năm 2014).

(ii) Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.

Trong vụ việc này, nhiều ý kiến của nguyên đơn về việc Công ty X vi phạm các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông là có cơ sở, đặc biệt là các vi phạm sau:

Thứ nhất, thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông Công ty X không được gửi cho tất cả các cổ đông có quyền dự họp:

Theo Điều 139 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải gửi thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông trong Danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn. Thông báo được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của cổ đông; đồng thời đăng trên trang thông tin điện tử của công ty và đăng báo hằng ngày của trung ương hoặc địa phương, khi xét thấy cần thiết theo quy định của Điều lệ công ty.

Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông của công ty. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập không sớm hơn 05 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn.[1]

Trên thực tế, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty X được triệu tập đến lần thứ ba. Mặc dù cuộc họp lần thứ nhất và lần thứ hai không đáp ứng điều kiện tiến hành bởi có nhiều cổ đông không đi họp. Tuy nhiên, điều này không thể loại trừ quyền được dự họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ ba của họ. Hay nói cách khác, việc người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông không gửi thông báo mời họp là vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Trong trường hợp này, giả sử cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ ba của Công ty X được tổ chức đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều lệ công ty (thông báo mời họp được gửi cho tất cả cổ đông) thì những cổ đông không dự họp sẽ mất đi quyền biểu quyết của mình và không có cơ sở để yêu cầu Tòa án hủy bỏ Nghị quyết số 01/2015/NQ-ĐHĐCĐ. Bởi lẽ: (i) cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp;[2](ii) điều kiện thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông là dựa trên tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông “dự họp”, cổ đông không dự họp sẽ chịu ràng buộc bởi nghị quyết được các cổ đông dự họp bỏ phiếu thông qua.[3]

Thứ hai, việc ghi biên bản họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty X

Theo Điều 146 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác. Biên bản phải lập bằng tiếng Việt, có thể lập thêm bằng tiếng nước ngoài và có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp;

b) Thời gian và địa điểm họp Đại hội đồng cổ đông;

c) Chương trình và nội dung cuộc họp;

d) Họ, tên chủ tọa và thư ký;

đ) Tóm tắt diễn biến cuộc họp và các ý kiến phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông về từng vấn đề trong nội dung chương trình họp;

e) Số cổ đông và tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp, phụ lục danh sách đăng ký cổ đông, đại diện cổ đông dự họp với số cổ phần và số phiếu bầu tương ứng;

g) Tổng số phiếu biểu quyết đối với từng vấn đề biểu quyết, trong đó ghi rõ phương thức biểu quyết, tổng số phiếu hợp lệ, không hợp lệ, tán thành, không tán thành và không có ý kiến; tỷ lệ tương ứng trên tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp;

h) Các vấn đề đã được thông qua và tỷ lệ phiếu biểu quyết thông qua tương ứng;

i) Chữ ký của chủ tọa và thư ký.

Biên bản được lập bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài đều có hiệu lực pháp lý như nhau. Trường hợp có sự khác nhau về nội dung biên bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì nội dung trong biên bản tiếng Việt có hiệu lực áp dụng.

Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông phải làm xong và thông qua trước khi kết thúc cuộc họp. Chủ tọa và thư ký cuộc họp phải liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung biên bản.

Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông phải được gửi đến tất cả cổ đông trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc họp; việc gửi biên bản kiểm phiếu có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty (nếu có). Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, phụ lục danh sách cổ đông đăng ký dự họp, nghị quyết đã được thông qua và tài liệu có liên quan gửi kèm theo thông báo mời họp phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.

Xem xét quy định của Điều 146 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì có thể nhận định, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 29/06/2015 của Công ty X có nhiều vấn đề, cụ thể:

Một là, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 28/06/2015 đã thống nhất cử hai thư ký của cuộc họp là ông Thanh và bà Linh. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp chỉ có ông Thanh ký.

Hai là, biên bản đăng trên Website của Công ty X có sự khác biệt so với biên bản họp ngày 28/06/2015, cụ thể, biên bản ngày 29/06/2015 đăng trên Website của công ty đã bỏ Điều 17 về việc biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông với tỷ lệ là 51.47% tổng số biểu quyết.

Như vậy, việc Tòa án tuyên hủy Nghị quyết 01/2015/NQ-ĐHĐCĐ để tiến hành lại theo quy định của pháp luật là có cơ sở. Ý kiến của ông Phát (người đại diện theo ủy quyền của Công ty X) không thể chối bỏ cho việc Công ty X đã vi phạm quy định về trình tự, thủ tục tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông. Việc tiến hành lại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty X sẽ mất thời gian, tiền bạc của công ty, cổ đông, người quản lý và bên liên quan khác. Tuy nhiên, thực thi nghị quyết Đại hội đồng cổ đông sẽ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của cổ đông và công ty, cho nên Công ty X phải tiến hành họp lại Đại hội đồng cổ đông.

 



[3] Trường hợp cuộc họp triệu tập lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Trường hợp này, cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp. Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 144 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì điều kiện thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông là dựa trên tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận