Góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp và quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy nghị quyết Đại hội đồng cổ đông
219 lượt xem
Công ty trách nhiệm hữu hạn X (Công ty
X) góp vốn vào Công ty cổ phần Y (Công ty Y), trong đó có tài sản góp vốn là
quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu của Công ty X. Quyền sở hữu công nghiệp
này được Công ty Y và các cổ đông định giá 2 tỷ đồng.
Công ty Y được Sở Kế hoạch và Đầu tư
tỉnh A cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào ngày 06/01/2016. Trong quá
trình hoạt động, Công ty Y nhiều lần đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận
đăng ký doanh nghiệp, lần gần nhất là ngày 04/07/2018.
Theo báo cáo kiểm toán độc lập số
29/2018 đối với báo cáo tài chính Công ty Y thì Công ty X nắm giữ 750.000 CP
tương ứng với 7,5 tỷ đồng, chiếm 9,48 % tổng số CP phổ thông.
Ngày 31/03/2019, Công ty Y gửi công văn
về việc loại trừ giá trị quyền sở hữu công nghiệp là 2 tỷ đồng của Công ty X và
yêu cầu Công ty X phải góp 2 tỷ đồng bù vào giá trị quyền sở hữu công nghiệp
nếu không sẽ chào bán CP tương đương với 2 tỷ đồng cho các cổ đông khác. Ngay
sau đó, Công ty X gửi công văn trả lời phản bác yêu cầu của Công ty Y.
Ngày 26/06/2019, Công ty Y họp Đại hội
đồng cổ đông thường niên và thông qua Nghị quyết 01/NQ-HĐPC-ĐHĐCĐ, tại Điều 7
và Điều 10 của Nghị quyết có nội dung: Thông qua việc phát hành bổ sung vốn
không bằng tiền đối với giá trị quyền sở hữu công nghiệp 2 tỷ đồng của Công ty
X với giá 10.000 đồng/CP, yêu cầu Công ty X góp vốn bằng tiền bổ sung và loại
trừ giá trị quyền sở hữu công nghiệp 2 tỷ đồng.
Bất bình trước yêu cầu vô lý của Đại hội
đồng cổ đông, ngày 24/9/2019, Công ty X đã nộp đơn khởi kiện ra Tòa án với yêu
cầu hủy bỏ Điều 7 và Điều 10 của Nghị quyết 01/NQ-HĐPC-ĐHĐCĐ.
Tại phiên tòa, đại diện của bị đơn là
Công ty Y cho rằng: Nghị quyết 01/NQ-HĐPC-ĐHĐCĐ được thông qua với tỷ lệ 80%,
phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, không thể bác bỏ. Mặt khác, Công ty
X chỉ nắm giữ 9,48 % tổng số CP phổ thông và Điều lệ công ty cũng không quy
định tỷ lệ dưới 10%, cho nên Công ty X không có quyền yêu cầu hủy nghị quyết
của Đại hội đồng cổ đông.
Đồng tình với lập luận của bị đơn, Hội
đồng xét xử cũng cho rằng Công ty X không có quyền yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết
01/NQ-HĐPC-ĐHĐCĐ theo quy định của Điều 147 Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công
ty Y. Vì vậy, bản án của Tòa án đã bác yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết
01/NQ-HĐPC-ĐHĐCĐ của Công ty X.
1. Quyền sở hữu công nghiệp mà Công
ty X sử dụng để góp vốn vào Công ty Y có phải là tài sản góp vốn hợp pháp hay
không?
2. Điều 7 và Điều 10 của Nghị quyết
01/NQ-HĐPC-ĐHĐCĐ có ảnh hưởng đến quyền lợi của Công ty X không?
3. Công ty X có quyền yêu cầu hủy Nghị quyết 01/NQ-HĐPC-ĐHĐCĐ hay không?
Ban biên tập
29-06-2020
Thứ nhất, về quyền sở hữu công nghiệp mà Công ty X sử dụng để góp vốn vào Công ty Y:
Quyền sở hữu công nghiệp là một tài sản mang tính “vô hình”. Theo khoản 2 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009, quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Theo Điều 35 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, tài sản góp vốn rất đa dạng, có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.
Như vậy, quyền sở hữu công nghiệp được Công ty X góp vốn vào Công ty Y là một tài sản góp vốn hợp pháp, đã được các bên định giá 2 tỷ đồng. Trên thực tế, khi nhà đầu tư sử dụng tài sản là quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn thì việc định giá loại tài sản này khá phức tạp, đòi hỏi chủ thể định giá phải am hiểu về lĩnh vực liên quan đến tài sản góp vốn đó; đồng thời phải có chuyên môn, nghiệp vụ định giá mới có thể định giá được. Nếu trong trường hợp không đủ năng lực định giá, công ty nên thuê tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Đặc biệt, trong trường hợp quyền sở hữu công nghiệp được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các chủ thể định giáp hải cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời có thể phải liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do định giá cao hơn giá trị thực tế.[1]
Thứ hai, về nội dung của Điều 7 và Điều 10 Nghị quyết 01/NQ-HĐPC-ĐHĐCĐ:
Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty CP. Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông sẽ có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ thời điểm hiệu lực ghi tại nghị quyết đó. Điều 7 và Điều 10 của Nghị quyết 01/NQ-HĐPC-ĐHĐCĐ Công ty Y sẽ ràng buộc nghĩa vụ góp vốn đối với cổ đông là Công ty X, thể hiện thông qua yêu cầu Công ty X góp vốn bằng tiền bổ sung và loại trừ giá trị quyền sở hữu công nghiệp 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nội dung nghị quyết này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của Công ty X. Bởi lẽ, khi thực hiện nghĩa vụ góp vốn, Công ty X phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn sang cho Công ty Y. Sau khi góp vốn xong, Công ty X trở thành cổ đông của Công ty Y, đồng thời tài sản góp vốn thuộc quyền sở hữu của Công ty Y. Công ty X đã có tư cách cổ đông và quyền tương ứng với số CP nắm giữ, kể cả số CP tương ứng với giá trị quyền sở hữu công nghiệp. Hay nói cách khác, Đại hội đồng cổ đông không thể loại bỏ tài sản góp vốn của Công ty X, để yêu cầu Công ty X góp vốn bằng tiền bổ sung.
Mặc dù Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất và Nghị quyết 01/NQ-HĐPC-ĐHĐCĐ đáp ứng đầy đủ điều kiện thông qua nhưng nội dung nghị quyết đã trái với quy định của Luật Doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của Công ty X.
Thứ ba, về quyền yêu cầu hủy Nghị quyết 01/NQ-HĐPC-ĐHĐCĐ của Công ty X:
Theo Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2014, khi nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông vi phạm pháp luật, cổ đông sở hữu từ 10% tổng số CP phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Trong tình huống này, Công ty X chỉ sở hữu 9,48% tổng số CP phổ thông của Công ty Y, cho nên không có quyền yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết 01/NQ-HĐPC-ĐHĐCĐ. Lập luận của bị đơn và hội đồng xét xử phù hợp với Điều 147 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Vụ việc này cho thấy, quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 chưa thực sự bảo vệ tốt cho cổ đông (đặc biệt cổ đông nhỏ) trong một số trường hợp; tạo nên lỗ hổng để các cổ đông lớn chi phối nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, từ đó xâm phạm “vô lý” đến quyền lợi chính đáng của các cổ đông khác. Chính vì vậy, khi cổ đông nắm giữ dưới 10% tổng số CP phổ thông trong công ty CP thì cổ đông cần có những giải pháp đề xuất để công ty ghi nhận quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông vào điều lệ công ty. Bởi vì, chỉ khi Điều lệ công ty CP có quy định một tỷ lệ nhỏ hơn 10% tổng số CP phổ thông có quyền yêu cầu hủy nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thì cổ đông mới có quyền này; còn Điều lệ công ty không quy định thì phải áp dụng theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, tức là cổ đông phải sở hữu từ 10% tổng số CP phổ thông trở lên mới có quyền yêu cầu hủy nghị quyết.[2]
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.