Tập đoàn kinh tế, tổng công ty
32 lượt xem
Khái niệm tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các trường hợp để một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác được quy định như thế nào?
Ban biên tập
29-06-2020
Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần (CP), phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.[1]
Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số CP phổ thông của công ty đó;
(ii) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
(iii) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.[2]
Trong các tiêu chí xác định mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con nói trên, tiêu chí thứ hai và thứ ba không mang tính ổn định vì có thể thay đổi phụ thuộc vào số lượng tham gia của cổ đông hoặc thành viên công ty vào cuộc họp của đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên công ty vì tỷ lệ biểu quyết về hai vấn đề nêu tại (ii) và (iii) bên trên được tính trên số phiếu biểu quyết của cổ đông hoặc tỷ lệ sở hữu của thành viên tham dự họp. Ngoài ra, các vấn đề nêu trên (trừ việc bổ nhiệm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc) cũng chỉ có thể được quyết định tại cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty CP) hoặc cuộc họp của Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên). Tỷ lệ cụ thể để có thể thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty còn có thể quy định không giống nhau trong Điều lệ của các công ty khác nhau.[3]
[3] Hà Thị Thanh Bình (2015), Điều chỉnh mối quan hệ giữa các công ty trong nhóm công ty theo pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Điều chỉnh giao dịch giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty theo pháp luật công ty – Kinh nghiệm ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam, tr. 3.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.