Khái niệm doanh nghiệp nhà nước
568 lượt xem
Doanh nghiệp nhà nước là gì?
Ban biên tập
22-07-2020
Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mà nội hàm khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong pháp luật doanh nghiệp có sự khác nhau. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, DNNN là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.[1] Tuy nhiên, hiện nay theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (khoản 8, Điều 4). Như vậy so với Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã thu hẹp lại phạm vi DNNN, theo đó chỉ những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì doanh nghiệp đó mới được gọi là DNNN. Xét về mặt bản chất, DNNN hoạt động dưới loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên.[2] Tuy nhiên, thuật ngữ DNNN không phải là một thuật ngữ để biểu đạt một loại hình doanh nghiệp.[3] Nhìn chung, định nghĩa DNNN trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 có sự khác biệt nhất định so với quan niệm phổ biến trên thế giới nhưng được hy vọng nhằm tránh sự can thiệp của Nhà nước vào các doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần chi phối, tạo ra nhận thức mới là những doanh nghiệp này không còn là doanh nghiệp “của” Nhà nước.[4]
Bên cạnh các đặc điểm thông thường của một doanh nghiệp, DNNN có những đặc điểm pháp lý sau:
Thứ nhất, DNNN phải là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Hiện nay, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm các doanh nghiệp sau: (i) Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; (ii) Công ty TNHH một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.[5]
Thứ hai, DNNN là tổ chức có tư cách pháp nhân.
DNNN thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để được xem là tổ chức có tư cách pháp nhân. DNNN là doanh nghiệp cho nên được thành lập và tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. DNNN có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, DNNN hoàn toàn có tư cách chủ thể để nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.[6]
Thứ ba, DNNN được tổ chức hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên.[7]
[2] Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2016), Giáo trình pháp luật về chủ thể kinh doanh và phá sản, Bùi Xuân Hải (chủ biên), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr.213.
[3] Theo pháp luật doanh nghiệp hiện hành, chỉ có 04 loại hình doanh nghiệp: (i) Doanh nghiệp tư nhân; (ii) công ty hợp danh; (iii) công ty trách nhiệm hữu hạn; (iv) công ty cổ phần. Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có một quy chế pháp lý về tổ chức, hoạt động riêng.
[4] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam – Tập 1, Nguyễn Văn Tý - Nguyễn Thị Dung (Chủ biên), Nxb. Tư pháp, tr.260-261.
[5] Khoản 2 Điều 2 của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2018).
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.