Quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Hội đồng thành viên của thành viên công ty TNHH 2TV trở lên

492 lượt xem
Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên khi nào? Điều kiện thực hiện quyền này được quy định như thế nào? 
Ban biên tập
20-07-2020

Theo Điều 50 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên. Quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Hội đồng thành viên giúp cho thành viên có thể tự bảo vệ mình trong trường hợp nội dung nghị quyết ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của thành viên, nhất là trong trường hợp nghị quyết bị chi phối bởi ý chí của thành viên lớn.

Tuy nhiên, thành viên chỉ có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên nếu thành viên thỏa mãn 2 điều kiện sau:

Điều kiện cần: là điều kiện về sở hữu vốn góp, theo đó thành viên, nhóm thành viên phải thuộc một trong hai trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất: Khi thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định. Trường hợp này, để có quyền, các nhà đầu tư thiểu số (sở hữu dưới 10% số vốn điều lệ) phải đề xuất và ghi nhận thỏa thuận với các thành viên khác về quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết vào Điều lệ công ty. 

Trường hợp thứ hai: Trong công ty có một thành viên sở hữu trên 90% vốn điều lệ và Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn thì nhóm thành viên còn lại hợp lại với nhau sẽ có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên.

Điều kiện đủ: là điều kiện về thời gian thực hiện quyền, theo đó thành viên phải yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên.

Tuy nhiên, để Tòa án hủy bỏ nghị quyết Hội đồng thành viên thì trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết đó phải không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận