Quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội được bảo vệ như thế nào khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật?
476 lượt xem
Bên
tranh chấp 1: Bà Phạm Giang Phượng
T, sinh năm 1993
Bên tranh chấp 2: Công
ty Trách nhiệm hữu hạn E
Bên liên quan: Bảo hiểm xã hội quận B
Bà Phạm Giang Phượng T làm
việc tại Công ty TNHH E vào năm 2015. Ngày 01/9/2015, hai bên đã ký kết hợp
đồng lao động xác định thời hạn 01 năm, chức vụ là nhân viên luật, tiền lương
thỏa thuận là 7.000.000 đồng/tháng. Ngày 06/02/2016, Công ty E đơn phương chấm
dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với bà T với lý do Công ty E gặp khó khăn
trong kinh doanh. Khi bà T liên hệ với Cơ quan Bảo hiểm xã hội quận P, cơ quan
này cho biết cho biết, Công ty E có đăng ký bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và
bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ tháng 6/2016 đến hiện tại, số lao
động Công ty đăng ký tham gia không có tên bà T.
Nay bà T khởi kiện yêu cầu Tòa
án buộc Công ty E thanh toán trực tiếp cho bà T số tiền bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 05/02/2016 đến ngày 01/9/2016 là 6
tháng 27 ngày.
1. Hành vi của Công ty E đơn
phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật dẫn đến ảnh hưởng quá trình
tham gia bảo hiểm xã hội của bà T đã vi phạm quy định nào của Luật Bảo hiểm xã
hội 2014?
2. Yêu cầu của bà T được giải
quyết như thế nào?
3. Công ty E có phải trả tiền
lãi phát sinh do hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật dẫn đến
chậm nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội hay không? Vì sao?
Ban biên tập
13-01-2021
1. Căn cứ khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hành vi của Công ty E chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật dẫn đến việc Công ty chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho bà T là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều này.
Thêm vào đó, căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hành vi của Công ty E chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật dẫn đến việc Công ty không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho bà T và bên cạnh đó là không đóng các khoản bảo hiểm trên cho bà trong khoảng thời gian bà không được làm việc vì lý do nêu trên được xem là hành vi vi phạm trách nhiệm của người sử dụng lao động.
2. Yêu cầu của bà T được giải quyết như sau:
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bà T có quyền được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, ngoài ra, bà có quyền được cấp và được quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
Căn cứ khoản 1 Điều 2 và khoản 1, khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Công ty E có trách nhiệm phải lập hồ sơ để bà T được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó Công ty còn phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của bà T theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Việc làm 2013 và khoản 2 Điều 32 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hằng tháng Công ty E phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013 và trích tiền lương của người lao động là bà T theo mức quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013 đúng, đủ và kịp thời theo quy định của pháp luật vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, yêu cầu của bà T buộc công ty E thanh toán trực tiếp cho bà T số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 05/02/2016 đến ngày 01/9/2016 là 6 tháng 27 ngày sẽ không được chấp nhận mà được giải quyết như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 85 và Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Công ty E phải có trách nhiệm cùng với bà T đóng các khoản bảo hiểm nêu trên cho bà vào quỹ bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian không được làm việc từ ngày 05/02/2016 đến ngày 01/9/2016 theo mức lương là 7.000.000 (bảy triệu) đồng mà không được phép thanh toán trực tiếp.
Như vậy, Công ty E và bà T phải có trách nhiệm thực hiện đúng những quy định nêu trên.
3. Công ty E phải trả tiền lãi phát sinh vì căn cứ khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Công ty E đã có hành vi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với bà T dẫn đến việc Công ty chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho bà từ ngày 05/02/2016 đến ngày 01/9/2016. Như vậy, ngoài việc phải đóng đủ số tiền chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật thì Công ty E còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.